Xin chào!

Mình là Thắng, họ tên đầy đủ Vương Danh Thắng, biệt hiệu cũng khá nhiều kể như Thắng Thật Thà; Thắng Rocker… Mình sinh ra và lớn lên tại Chương Mỹ, Hà Nội, một làng quê ở Bắc Bộ. Hiện nay mình là Admin, người sáng lập/ chủ quản và giảng dạy tại mô hình thực hành làm việc trên website xaydungthuchanh.vn này.

Trên thực tế, theo mình quan sát (và thực tế mình đã trực tiếp phỏng vấn tuyển dụng, đào tạo nhân viên mới) vấn đề lớn nhất của tân kỹ sư xây dựng khi ra trường là còn thiếu quá nhiều kinh nghiệm, kiến thức thực tế cũng như các kỹ năng mềm cần thiết để phục vụ công việc; thông thường phải sau 2 – 3 năm đi làm hoàn thành một công trình các bạn kỹ sư mới bắt đầu đảm nhận được các công việc chủ chốt một cách “chính thức” trong công ty. Vì lẽ đó, mình đã xây dựng mô hình thực hành làm việc này, với mong muốn sẽ giúp các bạn tân kỹ sư được trang bị đầy đủ kiến thức thực tế ngay sau khi ra trường, giúp các bạn muốn làm trái ngành hay các bạn muốn nâng cao trình độ quản lý… Với mô hình này, bạn sẽ được thực hành làm việc thực tế để hoàn thành các dự án/ công trình cụ thể, được hướng dẫn, được sửa lỗi trong suốt khóa học và hỗ trợ sau khóa học, tương tự như hoạt động của các công ty tập đoàn xây dựng hiện nay.

Nếu bạn chưa được trải nghiệm thi công thực tế hay còn lờ tờ mờ về ngành xây dựng thì dưới đây mình xin chia sẻ một vài trải nghiệm trong nghề mà mình đã cảm nhận được và hy vọng sẽ giúp bạn phần nào có định hướng cũng như chuẩn bị tâm lý vững vàng trong nghề.

Thực sự mà nói, nghề xây dựng vất vả đấy!…

Những ngày tháng đầu tiên ra trường đi làm, thậm chí là sau nhiều năm đi làm chúng ta ít nhiều cũng phải đi công trình xa. Mình sẽ kể cho bạn nghe về chính những gì mà mình đã trải qua… năm đó là cuối năm 2008 một năm rét đậm rét hại và lụt lớn toàn miền Bắc… mình làm một công trình trên Bắc Giang, hơn 1 tháng trời đứng dưới mưa rét, công trường lầy lội, giày lúc nào cũng ướt, chân thì lở loét hết… để chạy kịp tiến độ đổ mái tầng 1 trước khi nghỉ Tết Nguyên Đán.

Đó là những ngày mình hút hết 2 bao thuốc lá vì rét, vì trực xuyên đêm đổ bê tông…

Rồi về sau, có những ngày nắng như đổ lửa, mình và biết bao anh em đã âm thầm gia cường thêm cho bê tông một phụ gia cực kỳ đắt giá… là những giọt mồ hôi tầm tã đổ xuống sàn…

(Hic hic, cái này chắc các thầy phải tính toán lại cấp phối bê tông xem có đảm bảo chất lượng không ^.^)

Thỉnh thoảng, rảnh rỗi mình luyện thêm một vài công phu để tăng cường bản lĩnh đàn ông…

Công phu mình tâm đắc nhất là dẫm cong đinh

Tuy nhiên, do nội công chưa đủ thâm hậu nên phát nào mình cũng bị thủng giày và bi mất một chút xíu blood…

Công trường mình làm thì cũng có thể gọi là sạch sẽ, vào ban đêm khi đợi bê tông trên sàn, thỉnh thoảng mình nằm lên ván ngắm sao trời… cũng thú vị…

Gần đây, ở thành phố thường nghe nói đến bụn mịn… người dân rất lo lắng cho sức khỏe…

Còn ở công trường của mình chắc là không có bụi mịn thì phải vì mình thấy hạt bụi to lắm… bụi mịn chắc chỉ có ở ngoài đường…

Hít bụi to không biết có sao không, mình chưa thấy đài báo nào nói đến bụi to thì phải…

“Nắng mưa là chuyện của trời
Đổ sàn là chuyện của người kỹ sư”

Anh em thường tếu táo: “Mưa thì chó chạy vào nhà còn thằng kỹ sư phải lao ra đường“. Ai đã từng làm giám sát, đã từng thi công ngoài công trường mới thực sự thấu hiểu bao nỗi vất vả của các kỹ sư xây dựng mà một vài câu chữ của mình không thể lột tả hết được. Có những thời điểm rất khó khăn, như đợt khủng hoảng 2010 – 2012, những năm ngành xây dựng khủng hoảng bong bóng khiến nhiều công ty không có việc, nợ lương nhân viên. Gần đây nhất, từ 2021 – 2023, covid, kinh tế thế giới suy thoái, chiến tranh… ngành xây dựng “thoi thóp” cầm cự…

Thời gian này, mình đã chứng kiến những đồng nghiệp nhảy việc, chứng kiến những giọt nước mắt chia ly khi giảm biên chế, thu nhỏ tái cấu trúc…

Khi kinh tế suy thoái thì hầu hết các ngành đều kém thôi, sau cơn mưa thì trời lại sáng thôi!

Đó là những khó khăn vất vả mà theo mình nếu theo nghề xây dựng thì ít nhiều ai cũng sẽ phải trải qua.

Tuy nhiên, theo mình dù có khó khăn nhưng chúng ta hãy cứ vui, cứ tự hào về nghề nghiệp của mình!

Sao không tự hào được khi chúng ta đã xây nên bao giá trị, bao mái ấm cho đời.

Xanh cỏ chúng ta đến, đỏ ngói chúng ta đi!

Tự hào là khi dấu giày của chúng ta đã ghi trên bao mảnh đất, bao sàn bê tông cốt thép… để rồi nghẹn ngào, mãn nguyện chia tay trong giây phút bàn giao công trình… đó là tuổi trẻ, là cả cuộc đời của các kỹ sư xây dựng công trình…

Bạn thân mến, khi viết những dòng này mình ngồi một mình, hồi tưởng lại những ngày tuổi trẻ của mình, mình muốn viết nhiều thêm nữa lắm, nhưng khả năng văn chương có hạn…

Không biết bạn là người mới, hay đã đi làm lâu năm, mình xin phép có một vài nhắn nhủ cho các anh em đi sau thế này…

Đừng vì bài viết này làm nản chí nam nhân… (vì mình toàn viết ra những cái khó khăn thôi à, chẳng thấy viết cái nào sung sướng cả, kaka).

Anh em đã học nghề xây dựng thì hầu hết gia cảnh đều khó khăn (theo quan sát từ thế hệ của mình, còn giờ không biết có đúng hông nữa :D).

Sinh nghề tử nghiệp, nếu đã chọn nghề rồi, chúng ta hãy cố gắng theo đuổi nó đến cùng, mỗi nghề đều có vất vả và niềm vui riêng.

Chúng ta, hãy vượt khó với tinh thần của một chiến binh…

Việc khó mới cần cố gắng, chứ việc dễ ai chả làm được…

Nhưng theo mình thì…

Bạn hãy lập ra cho mình một kế hoạch cuộc đời mình

Bây giờ nghiệm lại, mình thấy có 3 mốc quan trọng như thế này…

Công việc và gia đình trước tuổi 30: Học hỏi, Tích lũy, Kế hoạch.

Từ 30 – 40 tuổi: Đảm nhận vị trí, công việc quan trọng.

Cuối cùng là trên 40 tuổi: Làm quản lý cấp cao.

Mình dám chắc trên 40 tuổi, không nhiều anh em còn theo công trình xa được nữa…

Vì vậy mốc trước 30 tuổi vô cùng quan trọng… nó là quãng thời gian học tập, tích lũy, cũng là thời gian theo mình là dễ dàng tiếp thu cái mới và nhiều năng lượng nhất.

Nhiều anh em sẽ theo đuổi nghề, ngày ngày tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng… để sớm đảm nhận được những công việc quan trọng… sớm đạt được điều mình mong muốn.

Cũng có một số anh em triển khai ngay ý tưởng, hoài bão làm doanh nhân của mình…

Cũng có những anh em không có kế hoạch, hoặc có kế hoạch nhưng chỉ là trong suy nghĩ mà không hành động gì cả…

Nếu anh em muốn theo đuổi nghề QS, theo mình ngay từ bây giờ (dù đang còn là sinh viên) hãy tìm hiểu và tích lũy ngay, càng sớm càng tốt.

Nghề QS có một đặc điểm là, ít phải trực tiếp làm ở công trường hơn và có cơ hội làm hoàn toàn ở văn phòng hơn.

Sau 40 tuổi hoặc khi anh em muốn ổn định có thể về văn phòng làm QS để ổn định cuộc sống hơn, mình nghĩ đó cũng là một lựa chọn tốt.

Còn nếu anh muốn vươn tầm quản lý cấp cao thì không nên bỏ qua QS. Vì suy cho cùng tất cả đều liên quan đến chi phí và lợi nhuận, mà cái này là QS làm và quản lý chứ ai khác nữa!

Lộ trình của kỹ sư QS và những khái niệm thực chiến trong nghề QS cũng như trong ngành xây dựng nói chung đã được mình tóm tắt lại trong Ebook Trí Tuệ Kỹ Sư QS.

Bật mí: Nó có thể là một Ebook giúp bạn lập được kế hoạch cuộc đời mình không cứ gì phải theo nghề QS.

Bạn có thể tải nó miễn phí tại trang chủ website này, bằng cách điền địa chỉ email vào form, mình sẽ gửi tặng bạn ngay qua email.

Lời kết:

Qua website này mình muốn chia sẻ chút kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của mình đã có được, hy vọng chúng sẽ có ích cho các bạn đi sau, rút ngắn thời gian tích lũy, từ đó sớm gặt hái được thành công!

Cũng hy vọng qua đây, bạn có thể hiểu một chút về con người mình và những gì mình đang làm. Đừng ngại liên hệ với mình nếu bạn có bất cứ vấn đề gì trong quá trình học tập hay có bất kỳ thắc mắc nào nhé!

Chúc bạn sớm thành công!

Victor Vuong,

Tóm tắt CV: Ks. Vương Danh Thắng

  • Tốt nghiệp khoa Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Đại học Xây dựng năm 2007
  • 2008 – 2011 Kỹ sư QS/ SHOP hiện trường – Công ty cổ phần xây dựng số 2 – Tổng công ty Vinaconex
  • 2012 – 2021: Quản lý QS – Công ty cổ phần tập đoàn xây dựng Hòa Bình
  • 2022 – Hiện nay: Người sáng lập Xây Dựng Thực Hành, Sứ giả giảng dạy QS, AutoCAD, Excel, Admin chủ quản website www.xaydungthuchanh.vn