Hey, xin chào bạn,
Nếu như bạn muốn tìm hiểu về lập giá, xây dựng đơn giá thực chiến thì hãy đọc hết bài viết này nhé.
Nó sẽ giúp bạn phân biệt được 2 loại đơn giá tương ứng với 2 giai đoạn triển khai của dự án.
Và bài viết này mình cũng chia sẻ cấu trúc xây dựng một đơn giá thực chiến bao gồm những cái gì, cách phân tích rồi phân bổ và tổng hợp đơn giá ra sao.
Oki, let’s go!
1. Đơn giá dự toán:
Có thể bạn hay được nghe thấy cụm từ “Lập dự toán”, thì đó chính xác nên hiểu là xác định chi phí trong giai đoạn chuẩn bị dự án (trước thời điểm đấu thầu).
Chủ đầu tư sẽ thuê tư vấn (tư vấn quản lý dự án hoặc tư vấn thiết kế) hoặc tự làm dự toán để biết mình phải bỏ ra bao nhiêu tiền đầu tư cho dự án của mình. Và dùng nó để xin giấy phép xây dựng hoàn thành các thủ tục pháp lý.
Bạn hiểu nôm na nó là chi phí tạm tính thôi.
Nó chưa phải chi phí thật khi triển khai thi công.
Nó thường lớn hơn khá nhiều chi phí thật.
Vì Dự Toán có rất nhiều “Dự trù” trong đó, nó là chi phí “Gia Cát Dự” mà.
Dự toán cũng là một cơ sở để CĐT trả tiền cho tư vấn thiết kế.
Nếu giá trị hợp đồng giữa tư vấn thiết kế và chủ đầu tư tính theo giá trị dự toán (thường theo phần trăm giá trị dự toán).
Đơn giá trong giai đoạn này (đơn giá trong Dự Toán) được xác định theo Định Mức Dự Toán nhà nước, Công Bố Giá từng địa phương và kết hợp với các giá của thị trường.
Định Mức Dự Toán:
Đại khái bạn hiểu là nhà nước sẽ có văn bản quy định thi công một công tác nào đó sẽ tốn bao nhiêu vật liệu, nhân công và máy…
Những con số tạm tính, những con số này cũng thỉnh thoảng được cập nhật qua những lần thay đổi để phù hợp nhất với thị trường hiện tại.
Ví dụ:
Công tác bê tông dầm sàn mác 300 sẽ tốn bao nhiêu m3 đá, m3 cát, lít nước, bao nhiêu công thợ, cần cẩu hoặc bơm động bao nhiêu ca…, các vật tư phụ khác tốn bao nhiêu nữa…
Bạn cần phân biệt định mức thi công thực tế khác với định mức dự toán nhé. Có công tác sẽ tương đương, có công tác sẽ lớn hoặc nhỏ hơn với ĐMDT.
Nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Tôi diễn giải ví dụ như thế này để bạn hiểu:
Bê tông mác 300 tại thời điểm mấy năm trước nó cần nhiều xi măng, nhưng đến thời điểm hiện tại công nghệ tiên tiến hơn cùng là mác 300 nhưng cần lượng xi măng ít hơn, do đó giá thành sẽ rẻ hơn chẳng hạn.
Cùng là mác 300 nghĩa là khi đem đi thí nghiệm nó đều đạt mác chịu lực!
Nhưng rõ ràng công nghệ càng thay đổi và tiên tiến hơn thì cấp phối bê tông có thể thay đổi đúng không?
Và do đó Định Mức Dự Toán sẽ phải được cập nhật thường xuyên để sát với thực tế nhất!
Nhưng thực tế đang diễn ra ở Việt Nam thì sao?
Các văn bản điều chỉnh luôn luôn theo sau thị trường một khoảng khá xa!
2. Đơn giá thi công (giá thực chiến)
Đến giai đoạn thi công (từ thời điểm đấu thầu).
Khi này sẽ có 2 trường hợp:
Nếu dự án vốn ngân sách nhà nước:
Thì thường sử dụng luôn và y chang đầu việc trong dự toán đã lập để làm bài thầu.
Và sau này khi làm thanh quyết toán cũng sẽ theo nó và cập nhật các văn bản điều chỉnh trong quá trình thi công (Điều chỉnh định mức, điều chỉnh giá vật liệu/ nhân công/ nhiên liệu… nếu có biến động trong quá trình thi công).
Nếu dự án vốn tư nhân:
Không bắt buộc phải áp dụng đầu việc y chang dự toán để làm bài thầu hoặc làm thanh quyết toán.
Khi này CĐT sẽ làm ra một BOQ đầu việc khác để sát với thực tế thi công nhất và lấy nó làm bài thầu mời các nhà thầu.
Tất nhiên, CĐT vốn tư nhân cũng có thể lấy các đầu việc trong Dự Toán đã lập làm bài thầu và làm như dự án nhà nước! Nhưng thường không nhé!
CĐT tư nhân nào mà vẫn bê y nguyên đầu việc trong Dự Toán ra mời thầu thì thường đó là CĐT không chuyên nghiệp!
Vì không ai ngu gì mà đi đâm đầu vào mớ văn bản nhà nước, định mức lý thuyết… để quản lý tiền của mình!
Phải là chi phí thực, giá thực!
OK, tới đây, hy vọng bạn đã hiểu được 2 loại đơn giá rồi chứ!
Mình thì không chuyên lập Dự Toán mà chỉ chuyên Lập Giá đen thực chiến trong giai đoạn thi công.
Với tính chất như vậy thì có khá nhiều công ty đã xây dựng ra những phần mềm để lập Dự Toán, vì đơn giản là phần mềm chỉ lấy số liệu từ một Data có sẵn (Định Mức Dự Toán và Công Bố Giá có sẵn) để tính ra chi phí Dự Trù của công trình.
Nhưng với Lập Giá Đen thực chiến thì khác, hoàn toàn là khối lượng và đơn giá để làm.
Và hiện nay theo tôi biết thì chưa có phần mềm nào giúp làm việc này cả. Hoàn toàn vẫn làm trên Excel.
Đối với Lập Giá Đen thực chiến, tôi thường tách ra làm 3 phần:
Chi phí trực tiếp, Chi phí chung và Chi phí biện pháp thi công.
2-1 Chi phí trực tiếp: Bao gồm Vật liệu + Nhân công + Máy trực tiếp
Ví dụ cho công tác bê tông:
+ Vật liệu: Giá mua bê tông của trạm trộn, nhà cung cấp (1m3 bê tông bao tiền).
+ Nhân công: Giá khoán nhân công đổ bê tông, làm mặt và dụng cụ (ở đây là máy đầm, bàn xoa… những dụng cụ nhỏ nhỏ này khoán luôn vào đơn giá nhân công).
Giá nhân công thường cũng khoán theo m3 bê tông (1m3 bê tông bao tiền).
+ Máy: Bơm tĩnh hoặc bơm cần.
Chi phí này khối lượng lớn thì cũng tính theo m3, khối lượng nhỏ thì tính theo ca.
2-2 Chi phí chung:
Khi tính thực chiến tư nhân thì phải bóc hết từng chi phí chứ không tính bằng phần trăm như lập Dự Toán nhà nước đâu!
Chi phí chung tôi làm thường bao gồm 4 mục chính sau:
2-2-1 Chi phí bảo lãnh và bảo hiểm:
Cái này bạn có thể tìm hiểu thêm trên Google.
2-2-2 Chi phí tiện ích công trường:
Khi làm tôi phải liệt kê ra tất cả các tiện ích để lên chi phí, đối với nhà cao tầng có khoảng trên 20 loại, tuy nhiên những loại lớn nhất phải kể đến như:
Lán trại và văn phòng tạm
Cổng và hàng rào tạm
Điện nước tạm phục vụ thi công bao gồm vật tư và tiền điện tiền nước
Giáo bao che xung quanh công trình
Đường nội bộ
An toàn lao động vệ sinh môi trường…
2-2-3 Chi phí máy móc thiết bị thi công chính và dùng chung:
Ở phần này có khác so với làm Dự Toán ở chỗ những máy móc thiết bị chính thường được tính tách riêng một cục sau đó mới phân bổ vào các công tác hoặc có thể chào breakdown riêng mà không gộp.
Có 5 máy móc thiết bị thi công chính và dùng chung là:
Máy phát điện
Cẩu tháp
Vận thăng
Cần phân phối bê tông
Cẩu thùng (cẩu di động)
Ví dụ:
Công tác bê tông thì chi phí máy trực tiếp chỉ bao gồm bơm tĩnh hoặc bơm cần.
Còn chi phí Cần phân phối bê tông / Cẩu tháp / Vận thăng/ Máy phát điện không thể phân bổ chính xác vào đơn giá bê tông.
Bởi vì,
Rất khó để làm việc này,
Các thiết bị này dùng chung cho toàn bộ dự án, có rất nhiều công tác dùng nó!
Những máy móc thiết bị chính này được tính thành một cục chi phí riêng cho toàn bộ dự án và thường tính theo giá thuê theo tháng.
Sau đó sẽ phân bổ vào đơn giá các công tác hoặc rất nhiều CĐT yêu cầu chào breakdown chi phí chung (khi này sẽ không phân bổ nữa, đơn giá công tác khi này chỉ có chi phí trực tiếp).
Trường hợp phân bổ thì có thể phân bổ đều vào tất cả các công tác hoặc phân bổ vào một số công tác nào đó, cái này tùy thuộc vào cách mà nhà thầu muốn “tung hỏa mù”…
Còn đối với Định Mức Dự Toán nhà nước thì luôn luôn có chi phí máy móc thiết bị chính này trong từng công tác!
Bên dưới là hình ảnh mã AF.222 – Bê tông cột.
Bạn sẽ thấy có chi phí vận thăng, cẩu tháp theo đơn vị là ca.
Trong khi chi phí thực tế là thuê theo tháng! Và dùng chung cho toàn bộ dự án!
Bảng thành phần hao phí cho 1m3 bê tông cột (tiết diện <= 0,1m2)
2-2-4 Chi phí quản lý công trường và các dịch vụ tạm:
Có rất nhiều chi phí trong mục này nhưng bên dưới là những chi phí lớn nhất:
+ Lương ban chỉ huy công trình
+ Lương trả công nhân trực tiếp của nhà thầu (dọn dẹp vệ sinh…)
+ Nhà tạm, đi lại và ăn uống cho ban chỉ huy
+ Thí nghiệm vật liệu
+ Bảo trì, bảo hành
+ Giao tế…
2-3 Chi phí biện pháp thi công
Như đã phân tích ở phần khối lượng biện pháp thi công, thì chi phí này sẽ được tính toán dựa trên các khối lượng đó và các đơn giá biện pháp.
Đối với đơn giá biện pháp thường có 2 dạng (giá thuê và giá mua) chiếm tỷ trọng tương đương nhau.
Giá thuê: Thuê cừ, thuê thép hình Kingpost văng chống… (những thứ lấy lại được sau khi thi công xong).
Giá mua: Băng cản nước mạch ngừng biện pháp, vữa tự chảy không co ngót đầu cột biện pháp Top-Down… (đại loại là những vật liệu bị chết vào trong công trình).
Đến đây bạn đã hiểu lập đơn giá theo Dự Toán nhà nước và Thực Chiến thi công khác nhau thế nào chưa?
Một cái là Dự Trù một cái là Chi Tiết theo Thực Tế.
Nếu bạn cần hiểu rõ hơn, muốn tự tay xây dựng được tất cả các đơn giá thực chiến (từ kết cấu đến hoàn thiện) bao gồm cả chi phí trực tiếp, chi phí chung và chi phí biện pháp thi công cho một dự án nhà cao tầng bất kỳ thì hãy để lại thông tin quan tâm của mình vào Form bên dưới nhé!
Thời gian này mình khá bận, nên chưa thể triển khai làm được khóa học Lập Giá Thực Chiến này ngay.
Nếu bạn để lại thông tin vào Form mình sẽ biết rằng bạn quan tâm đến khóa học này và nếu có nhiều anh em cùng quan tâm như bạn thì mình sẽ tăng mức độ ưu tiên hoàn thành khóa học này hơn.
Mình rất hâm mộ những bạn ham học hỏi, cầu tiến!
Vương Danh Thắng,