Nối cọc ép nên sử dụng biện pháp nối hàn bằng bản mã hay nối chụp bằng hộp? Ưu nhược điểm của mỗi biện pháp này là gì? Biện pháp nào kinh tế hơn, đảm bảo kỹ thuật hơn?
Nếu bạn đang tìm hiểu về thi công cọc ép nhà phố hay các dự án lớn thì có thể sẽ có những thắc mắc này.
Bài viết này mình sẽ chia sẻ quan điểm cá nhân của mình thôi, chứ không lôi tiêu chuẩn lọ chai ra để giải thích nhé.
Hy vọng nó sẽ giúp bạn lựa chọn được biện pháp tốt và tiết kiệm chi phí thi công.
Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm nhiều vấn đề khác khi thi công nhà phố đảm bảo chất lượng, tiết kiệm trong chuỗi hơn 100 bài viết của mình TẠI ĐÂY.
1. Nối hàn bản mã và nối chụp thép hộp là gì?
Trước tiên về biện pháp hàn nối bản mã.
Tác dụng của hàn nối bằng bản mã:
- Tránh đoạn cọc trên chệch khỏi đoạn cọc dưới trong quá trình ép.
- Chịu các lực xô ngang (lực đất, nước ngầm) giữ hệ cọc ổn định thẳng đứng (liên kết ngàm).
Phần này mình sẽ chia sẻ một số ảnh thi công là bạn hình dung ra ngay:
Hàn bản mã nối 2 đoạn cọc khi ép cọc bê tông
Chi tiết điển hình bản vẽ nối hàn cọc 200×200 và 250×250 bản mã dày 6mm
Nhìn vào hình ảnh thi công và bản vẽ trên mình có một lưu ý nhỏ là:
Nếu sử dụng nối hàn thì phải hàn cả 4 mặt mới đảm bảo kỹ thuật, bản mã càng to càng chắc và đường hàn phải ngấu toàn bộ chu vi bản mã (không phải chấm chấm điểm điểm cho nó dính vào là xong).
Khi thi công hàn nối bản mã, phần màng nước bê tông bám vào phần hộp thép ở đầu cọc sẽ được đục bỏ đi để áp bản mã và hàn nối 2 đoạn vào với nhau:
Cấu tạo đầu cọc có hộp thép giúp gia cố đầu cọc và dùng để hàn 2 đoạn lại với nhau bằng bản mã
Bản mã hàn 2 đoạn cọc dự ứng lực tròn (cọc vuông hàn 4 mặt tương tự)
Với biện pháp hàn bản mã này sẽ mất khá nhiều thời gian chờ đợi khi ép cọc nếu chỉ có 1 người hàn cả 4 mặt của cọc. Đặc biệt tại các mặt biên giáp nhà bên cạnh rất khó để thao tác hàn, với những cọc biên có thể chỉ hàn được 3 mặt.
Và có một điều là: Hầu hết các đơn vị cung cấp cọc hiện nay bản mã dùng để hàn này rất nhỏ và mỏng so với các bản vẽ dự án.
Ví dụ cọc 250×250 dự án yêu cầu bản mã kích thước 170x160x6 mm nhưng trên thực tế kích thước các bản mã này thường chỉ 8-10cm và dày 3mm thậm chí mỏng hơn.
Các bản mã nhỏ và mỏng như này thường bao gồm trong đơn giá mét dài cọc (không tính riêng).
Nếu chủ nhà yêu cầu bản mã to và dày hơn 4-6mm thì sẽ phải trả tiền riêng cho bản mã đó (sẽ tính theo đơn giá vnđ/ kg hoặc vnđ/ cái bản mã).
Do đó, chủ nhà cần lưu ý quy định biện pháp nối hàn sử dụng bản mã kích thước chiều dày bao nhiêu vào hợp đồng để tránh bị mất tiền oan (bị dùng loại nhỏ, mỏng như vẫn bị tính tiền riêng).
Do nối hàn bản mã có nhược điểm là:
- Thi công chậm, đặc biệt với đoạn cọc ép cuối cùng, nếu chờ hàn quá lâu có thể gây bó cọc khiến không thể ép xuống được nữa (địa chất là đất sét bó nhiều nhất).
- Bản mã bao gồm trong đơn giá cọc thì nhỏ và mỏng
Do đó, một số công trình nhà phố hiện nay có áp dựng biện pháp nối chụp bằng hộp thép, với ưu điểm là thi công nhanh và bản mã hộp dày dặn:
Nối chụp hộp thép có kích thước lớn hơn và vừa sát vào hộp thép ở đầu cọc đặt
Sau đó đoạn cọc tiếp theo sẽ được đặt vào trong hộp thép này và ép luôn mà không hàn
Bản chụp thép hộp to hơn, chi phí sẽ tốn nhiều hơn (phải đặt riêng) so với bản mã hàn ở trên.
Và với biện pháp này thì thi công rất nhanh vì không phải hàn, chỉ cần đặt chụp vào là xong. Nó như cái măng xông nhưng không có keo (hàn) bên trong.
Như vậy đây là liên kết dạng khớp, mà cũng không phải dạng khớp nhỉ?
2. Nên dùng nối hàn bản mã hay bản chụp thép hộp nối cọc
Theo quản điểm cá nhân mình thì không nên sử dụng loại bản chụp nối cọc dù nó rất to, dày, bao trọn cả đầu cọc, tốn tiền hơn, mình vẫn thích cách làm truyền thống nối hàn bản mã hơn.
Vì bản chất nối chụp thép hộp không phải liên kết ngàm, chỉ là đặt vào nhau và nó dễ bị bật ra trong quá trình ép cọc cũng như chịu tải trọng ngang.
Nếu như công trình càng ép sâu (càng nhiều mối nối) thì bạn có hình dung ra được sự lỏng lẻo khi sử dụng bản chụp nối cọc không?
Theo bạn, mất tiền hơn mà không đảm bảo về mặt kỹ thuật thì có lãng phí không?
Còn rất nhiều vấn đề mà bạn cần nắm được khi thi công nhà phố.
Nếu bạn quan tâm và có nhu cầu tìm hiểu Thi công, Bóc tách và Lập chi phí nhà dân, nhà phố thì mình đang có khóa học: QS Nhà Phố thực chiến.
Khóa học này không chỉ dừng lại ở đúng kỹ thuật, chất lượng mà mình còn chia sẻ những kinh nghiệm để hao hụt vật liệu ít nhất có thể, rút ngắn tiến độ thi công, hy vọng sẽ đem lại lợi nhuận cũng như tốn ít chi phí nhất cho ngôi nhà của bạn.
Bạn cũng có thể tải Ebook Trí Tuệ QS tại TRANG CHỦ (miễn phí) để hiểu rõ hơn về mình cũng như nghề QS.
Kỹ sư. Vương Danh Thắng,
Admin: xaydungthuchanh.vn
Youtube: Xây Dựng Thực Hành
TikTok: Xây Dựng Thực Hành
Fanpage: xaydungthuchanh.vn