Đo bóc khối lượng và lập giá cọc khoan nhồi – tất tần tật những lưu ý dành cho QS

30/07/2020 17357

Trên thế giới cọc khoan nhồi đã trở thành phổ biến trong ngành xây dựng từ rất lâu, tại Việt Nam cọc khoan nhồi đã được ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các các công trình cao tầng cũng như cầu cảng… Bài viết này sẽ không đi sâu vào quy trình thi công (phần này các bạn tự tìm hiểu theo các link youtube bên dưới, cũng có nhiều bài viết trên các diễn đàn về quy trình thi công rồi) mà chủ yếu bài viết sẽ đưa ra những lưu ý khi đo bóc khối lượng và lập giá cọc khoan nhồi. Chúng ta hãy bắt đầu:

Sơ đồ quy trình thi công cọc khoan nhồi thông thường

Quy trình thi công cọc khoan nhồi chi tiết (bấm để xem ảnh lớn)

Quy trình thi công cọc khoan thả (khoan hạ) dễ hiểu nhất
Cọc bê tông đúc sẵn có những loại nào, khối lượng được tính ra sao?
Quy trình thi công cọc khoan nhồi bằng hình ảnh mới nhất 2020 (dễ hiểu nhất)
Cọc khoan nhồi có những thí nghiệm nào, bạn đã biết hết chưa?
Một số điểm khác biệt cần lưu ý của thông tư 17/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 – hướng dẫn đo bóc khối lượng công trình

Công tác khoan tạo lỗ:

  • Biện pháp thi công/ điều kiện thi công: Việc đầu tiên các bạn cần để ý là khoan trên cạn hay dưới nước. Chi phí cho 2 điều kiện thi công này cực kỳ khác nhau, khi khoan dưới nước chúng ta phải tính thêm rất nhiều chi phí khác như thuê phà, cừ vây nước, chi phí trung chuyển vật liệu trên sông…

Khoan dưới nước và trên cạn

  • Địa chất : Cọc khoan nhồi chắc chắn phải xem địa chất đầu tiên rồi vì thi công trong lòng đất mà. Thích nhất là gặp anh đất sét hoặc sét pha ở trên và dưới cùng tại mũi cọc là lớp cuội sỏi hoặc đá, thế thì còn gì bằng :mrgreen: :mrgreen: :mrgreen:  Tuy nhiên “đời” không bao giờ dễ dàng như vậy, khi thi công cọc khoan nhồi cũng rất hay gặp địa chất phức tạp như: Đá mồ côi lơ lửng ở tầng giữa, hang caster (hiểu đại khái là hang hốc rỗng dưới lòng đất => việc này sẽ làm dung dịch bentonite/ polymer thất thoát, nếu hang rộng/ dài có thể không dùng phương pháp giữ thành bằng dung dịch được) hoặc cát chảy (địa chất cát chảy: thường là cát hạt nhỏ, cát pha, bùn sét pha chứa chất hữu cơ bão hòa nước, tạo thành dòng chảy gây sụt lún thành hố khoan/ móng công trình)…

Trụ địa chất bên cạnh sơ đồ và chi tiết cọc (bấm vào hình để xem ảnh lớn)

  • Chiều sâu khoan: Nếu lập dự toán theo nhà nước, chúng ta cần tuân thủ các định mức hướng dẫn tính toán của nhà nước, chúng ta sẽ phân ra chiều sâu <=30m, >30m, chiều sâu khoan đất, khoan đá/ cuội sỏi, chiều sâu khoan vào đá/ cuội sỏi bằng đường kính cọc hoặc khoan sâu hơn đường kính cọc (các bạn có thể xem trong định mức dự toán 1776). Nếu lập giá theo kiểu tư nhân thì chúng ta có thể chỉ cần phân khoan đất và khoan đá/ cuội sỏi là được rồi. Chiều sâu khoan các công trình dân dụng và địa chất như Hà Nội thì thông thường thiết kế sẽ chọn từ 50-60m; các công trình cầu địa chất trên sông, phức tạp thì chiều sâu có thể lên tới 80-100mm và với đường kính lớn hơn công trình dân dụng.

Dung dịch khoan:

Hiện nay ở Việt Nam sử dụng 2 loại phổ biến là Bentonite và Polymer. Bentonite bản chất là các hạt sét còn Polymer là chế phẩm tổng hợp từ dầu khí. Bentonite có tính ngậm cát, Polymer thì không. Một số khác biệt ưu việt của Polymer so với Bentonite:

  • Độ nhớt cao, độ bền liên kết cao ⇒ chống sạt vách cho hố khoan, tường vây, an toàn cho nền địa chất yếu (cát chảy, túi bùn,…)
  • Không ưa nước ⇒ Siêu sạch với bê tông (siêu âm từ 4000 m/s trở lên)
  • Không cần chờ lắng cát vì Polymer không ngậm cát
  • Không lắng đáy ⇒ Tăng sức kháng mũi cọc. Do Polymer không ngậm cát nên khi vét lắng xong là đáy cọc tương đối sạch rồi (Bentonite thì bị lắng đáy)

Vận chuyển mùn khoan:

Nếu chi ly ra thì thể tích mùn khoan bằng thể tích hình học hố khoan + thể tích bentonite (dạng đặc – là các bao như bao xi măng) đã sử dụng để tạo thành dung dịch bentonite. Tính vận chuyển lưu ý đến vị trí bãi đổ để xác định khoảng cách vận chuyển.

Bê tông cọc khoan nhồi:

Bê tông cọc khoan nhồi đổ bằng phương pháp vữa dâng, ống đổ bê tông luôn ngập trong bê tông để đảm bảo bê tông không bị bùn bẩn, đặc thù đổ bê tông dưới sâu trong lòng đất nên tất nhiên là không đầm được, do đó bê tông cần có độ sụt cao (thường là 18-20cm, thông thường với các cấu kiện nổi là 14cm). Bởi vậy, ngoài cấp độ bền các QS còn cần lưu ý đến độ sụt (độ sụt ảnh hưởng đến chi phí).

Hao hụt bê tông: Một điều cực kỳ quan trọng nữa là hao hụt bê tông, hao hụt này sẽ được tính trong đơn giá bê tông chứ không được tính vào khối lượng. Đối với các cấu kiện trên cạn như cột vách dầm sàn theo ĐM 1776 cho phép dao động từ 1,5% – 2,5%, tuy nhiên riêng với cọc khoan nhồi thì mức hao hụt này là 15% với cọc thi công trên cạn (AF.25000), tức 1,15m3 bê tông /1m3 thể tích cọc lý thuyết. Tuy nhiên xét trên thực tế thi công thì tùy năng lực của đơn vị thi công cũng như địa chất mà QS tính phần hao hụt này cho chính xác, có thể nhỏ hơn hoặc lớn hơn 15%. Với địa chất Hà Nội thì mức hao hụt 8%-10% là có thể làm được rồi.

Đổ bê tông cọc khoan nhồi

Cốt thép cọc khoan nhồi:

Cốt thép cọc khoan nhồi không có gì đặc biệt, thép vẫn sử dụng thép xây dựng thông thường tạo thành các lồng thép, các lồng thép được lắp sẵn ống siêu âm, con kê bê tông và được thả lần lượt từng đoạn xuống hố sau khi thổi rửa và làm sạch đáy cọc.

Hao hụt thép: Cũng giống như bê tông hay các loại vật liệu khác khi lập giá cần bỏ chi phí hao hụt vật liệu vào đơn giá. Theo DMDT 1776 thì hao hụt thép cuộn là 0,5%, thép thanh là 2% áp dụng cho các cấu kiện bao gồm cả cọc khoan nhồi. Tuy nhiên, đối với thép cọc khoan nhồi thì tùy vào từng thiết kế mà tính hao hụt thép, nếu thiết kế chẵn cây 11,7m hoặc chẵn số phần nguyên của 11,7m (chia 2, chia 3, chia 4: 5850, 3900, 2925) thì hầu như không có hao hụt, có chăng chỉ tính ở đoạn thép treo lồng. Ngược lại, với thiết kế không chẵn cây thép thì tỷ lệ hao hụt sẽ rất cao nếu không cho phép tận dụng đoạn thép ngắn nối lại. Tình trạng này cũng tương tự khi thi công nhà thấp tầng, biệt thự mà CĐT/ Tư vấn không cho phép nối thép trong miền chịu mô mem lớn.

Bởi vậy, QS phải hết sức lưu ý bỏ đơn giá thép cọc khoan nhồi phải tính đến hao hụt thép theo thiết kế thực tế.

Lồng thép cọc khoan nhồi đã lắp ống siêu âm và con kê bê tông

Các lồng thép này được nối với nhau bằng thép buộc và cóc nối bu lông kẹp (lượng bu lông kẹp thường từ 30% mối nối trở lên, tùy thiết kế quy định) để đảm bảo không bị tuột mối nối do trọng lực lồng thép. Chi phí cung cấp và lắp đặt cóc nối này được tính chi phí riêng, không bao gồm trong đơn giá thép. Trước đây các lồng thép được phép hàn điểm, trong khi các tiêu chuẩn mới gần đây hầu hết đã bỏ nối thép hàn.

Cũng giống cóc nối, cung cấp lắp đặt con kê bê tông cũng được tính chi phí riêng.

Nối cóc bu lông các lồng thép cọc khoan nhồi

Chi tiết nối thép cọc sẽ có thông tin % sử dụng nối cóc

Ống siêu âm/ Khoan lõi:

Thông thường 100% các cọc đều đặt ống siêu âm/ Khoan lõi DN114 và DN60 để kiểm tra chất lượng bê tông cọc (có bị khuyết tật, “thối”). Tuy nhiên cũng có CĐT tiết kiệm nên không đặt toàn bộ ống siêu âm. Dù có đặt 100% hay không thì thí nghiệm siêu âm lại là vấn đề khác nhé. Không phải cứ đặt OSA là bắt buộc phải thí nghiệm, phần trăm được cọc thí nghiệm ngẫu nhiên được quy định trong ghi chú của thiết kế. Các QS phải hết sức lưu ý chỗ này để tính đúng chiều dài OSA và số cọc thí nghiệm siêu âm/ khoan lõi. Ống DN114 dùng để khoan lõi và cũng dùng để siêu âm.

Mặt cắt và chi tiết đáy ống siêu âm

Ngoài md OSA, QS còn phải tính thêm chi phí măng sông nối ống và nút bịt đầu/ đáy ống (tính theo kg hoặc cái).

Bơm vữa xi măng lấp ống siêu âm:

Cuối cùng cần lưu ý xem thiết kế có chỉ định lấp vữa OSA không, để tính thêm chi phí này. Mác vữa lấp OSA hầu hết các thiết kế hiện nay không thấy quy định trong bản vẽ. Theo quan niệm của từng người thiết kế; nếu xem xét tiết diện OSA tham gia chịu lực, trường hợp này chắc chắn phải sử dụng mác vữa tương đương mác bê tông cọc khoan nhồi, nếu không chỉ cần dùng vữa xi măng mác 75 thông thường. Do đó, QS cần làm rõ với thiết kế về vữa lấp ống siêu âm này để tính đúng chi phí.

Lấp đầu cọc khoan nhồi sau khi đổ bê tông:

Tác dụng duy nhất của việc lấp đầu cọc là để đảm bảo an toàn đi lại trên mặt bằng không bị tụt xuống hố cọc (vì đã lấp hố rồi mà 😆 😆 😆 ). Chúng ta cần lưu ý vật liệu lấp hố, nhiều thiết kế hiện nay vẫn sử dụng cát hoặc đá dăm để lấp đầu cọc khoan nhồi. Thực ra là không cần thiết, chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng đất lấp để giảm chi phí, miễn là kín hố và đất không bị lún sâu. Không phải sử dụng cát và đá dăm thì bê tông đầu cọc sẽ sạch hơn đâu :mrgreen: :mrgreen: :mrgreen: vì bê tông đầu cọc đã là bê tông bẩn rồi, chúng sẽ được đập đi khi thi công đài móng.

Đập đầu cọc khoan nhồi:

Đập đầu cọc – công tác cuối cùng của cọc khoan nhồi. Công tác này thường nằm trong hạng mục thi công móng/ hầm chứ không nằm trong giai đoạn cọc khoan nhồi, vì chúng trong quá trình thi công móng. Cần lưu ý thêm, ngoài đập đầu cọc và vận chuyển trạc, chúng ta cần tính thêm chi phí vệ sinh nắn thép đầu cọc khoan nhồi nữa nhé.

Công tác đập đầu cọc khoan nhồi

BOQ cọc khoan nhồi đầy đủ

Dưới đây là BOQ cọc khoan nhồi đầy đủ nhưng ngắn gọn nhất đầu việc. Chúng ta có thể rút gọn thêm nữa bằng cách phân bổ các công tác phụ vào công tác chính (cóc kê, cóc nối thép, vữa lấp ống siêu âm), tuy nhiên muốn phân bổ được thì chúng ta vẫn phải tính cụ thể chúng ra sau đó mới phân bổ vào đơn giá công tác chính. Đây là BOQ lập theo kiểu “tư nhân” đo bóc khối lượng và nghiệm thu cực kỳ dễ dàng. Nếu lập dự toán, lập tổng mức đầu tư theo kiểu định mức “nhà nước”, cụ thể là định mức dự toán 1776 thì sẽ phải phân chia ra nhiều đầu việc để có thể áp dụng được định mức, ví dụ công tác khoan phải phân theo chiều sâu khoan <=30m; >30m; khoan đất; khoan đá; khoan vào đá bằng đường kính cọc, khoan cuội đá hơn đường kính cọc => khiến việc đo bóc cũng như nghiệm thu khối lượng cực kỳ khó khăn, có trường hợp không thể nghiệm thu ví dụ đào đất thủ công…

Lưu ý là chúng ta có thể gộp tất cả khối lượng các cọc có đường kính khác nhau lại, chỉ trừ mục khoan cọc là có đơn giá khác nhau tương ứng với các đường kính khác nhau. Các đầu việc còn lại dù cọc có đường kính khác nhau nhưng đơn giá thì bằng nhau. Việc này là để rút gọn BOQ của cả dự án, tuy nhiên khi lập giá cọc khoan nhồi nhất là trong giai đoạn đấu thầu thì việc kiểm soát đơn giá / md cọc là cực kỳ quan trọng, vì chúng ta đã có những đơn giá các công trình tương tự cùng đường kính, khi đó việc kiểm soát giá trị gói cọc sẽ có cơ sở để đối chiếu, đặc biệt các sếp rất muốn biết bao nhiêu tiền / 1md cọc và tổng md cọc => suy ra tổng tiền chỉ trong vài giây!

Kết bài:

Vậy là mình đã chia sẻ xong các lưu ý khi đo bóc khối lượng và lập giá thi công cọc khoan nhồi. Nếu bạn muốn theo đuổi nghề QS thì tìm hiểu các khóa học tại trang chủ nhé.

Victor Vương,





Ảnh tác giả

Hey! Mình là Vương Danh Thắng – Kỹ sư QS – Admin – Nhà đào tạo QS, AutoCAD, Excel trên diễn đàn này.
Các khóa học của mình Ở ĐÂY.
Giúp mình đạt 100k Sub Youtube + 100k Follow Fan Page nhé!







Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *