Quy trình thi công móng cọc chi tiết, những tranh cãi và lưu ý

28/09/2023 1901

Quy trình thi công móng đặc biệt là móng cọc hiện nay có khá nhiều quan điểm tranh cãi, ví dụ như:

Ép cọc xong cho máy xúc vào đào moi đài giằng móng luôn liệu có làm hỏng cọc không?

Đập đầu cọc trước hay thi công bê tông lót trước?

Thép đài phương nào rải trước rải sau?

Thép giằng móng lớp trên đặt trên hay dưới thép đài móng?…

Chọn gạch xây đất sét nung thế nào là tốt?
Sai lầm khi làm bê tông lót móng giảm nghiêm trọng chất lượng công trình
Nguy hiểm! Đập đầu cọc bê tông sai bét! Có cọc cũng như không!
Cách xử lý đầu cọc bị âm, râu thép cọc ngắn không đủ neo vào đài móng
Móng cọc nhà phố có nên đặt nổi ngay trên cốt mặt đất tự nhiên?

Đây là khá nhiều thắc mắc mà nhiều chủ nhà cũng như kỹ sư có thể quan tâm.

Bài viết này mình sẽ chia sẻ quan điểm riêng của mình, dựa trên các hiểu biết vễ kỹ thuật cũng như thực tế thi công. Hy vọng sẽ giúp bạn có được câu trả lời tốt cho công trình của mình.

Mình sẽ tập trung vào thi công móng cọc nhà dân nhà phố, tuy nhiên đối với các dự án quy trình các công tác thi công móng cũng tương tự bạn nhé:

Đào đất móng – Đổ bê tông lót – Đập/ Cắt đầu cọc – Nắn cắt thép râu – Thép đài móng giằng móng – Thép chờ cột – Ván khuôn đài giằng – Bê tông đài giằng – Tháo ván khuôn – Lấp đất móng.

Đối với móng cốc, móng băng cũng tương tự, chỉ là không có cọc thôi.

Công trình có tầng hầm có thể có thêm công tác chống thấm chống mối sàn hầm. Đôi khi các dự án lớn còn gặp trường hợp chống thấm tại vị trí cọc giao với đài móng.

 

Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về chuỗi hơn 100 bài viết về quy trình thi công nhà phố từ móng đến hoàn thiện chuẩn kỹ thuật, tiết kiệm chi phí của mình TẠI ĐÂY.

 

 

1. Quy trình thi công đào đất móng

Trong công tác này sẽ có 2 phần là đào bằng máy và sửa thủ công đầm chặt bằng tay. Khi đào máy thì có thể chủ nhà sẽ có thắc mắc:

Ép cọc xong cho máy xúc vào đào moi đài giằng móng luôn liệu có làm hỏng cọc không?

Về mặt kỹ thuật việc ép cọc xong mà cho máy xúc vào đào moi đài giằng móng là bình thường không ảnh hưởng gì đến cọc cả, tuy nhiên bạn nên nắm được một số lưu ý sau:

 

1.1 Sử dụng máy xúc nhỏ, gầu nhỏ để đào moi:

 

Đối với nhà dân nhà phố thì mặt bằng đã chật hẹp rồi hơn nữa các cọc thường là loại nhỏ 200×200, 250×250 nên khoảng cách các cọc trong một đài rất sát nhau (thường là 3D, ví dụ cọc 200×200 là 600mm).

Do đó sử dụng máy xúc nhỏ với gầu nhỏ để có thể đào moi được trong phạm vi giữa các cọc này mà không bị va đập vào đầu đọc.

Có thể cọc sẽ bị giảm chất lượng (bung mối hàn nối đốt trên cùng hoặc lệch tim) nếu bị gầu máy xúc đập mạnh vào khi moi đất.

Điều này sẽ càng bị ảnh hưởng nếu đốt trên cùng ép xuống ngắn.

Quy trình thi công đào đất móng

Đào moi đài giằng sử dụng máy xúc nhỏ và gầu nhỏ

 

Quy trình thi công đào đất móng 2

Gầu nhỏ moi được cả khe giữa các cọc mà không đụng vào cọc

 

1. 2 Có nên phá bớt đầu cọc để làm đường cho máy xúc đi?

 

Đối với một số mặt bằng hẹp dù đã sử dụng máy xúc nhỏ rồi nhưng vẫn không thể di chuyển vì vướng đầu cọc thì có nên phá bớt đầu cọc xuống sát đất để cho máy xúc đi không?

Trong trường hợp này theo tôi là không nên, vì đa số các trường hợp đầu cọc đã chờ nổi trên mặt đất rồi, nếu một cọc nào đó bị cắt ngắn bớt (cắt cả thép) để cho máy xúc đi thì nguy cơ râu thép cọc liên kết với đài móng tại vị trí đó sẽ không đủ dài để liên kết vào đài móng.

Trong trường hợp này nên để đào tay thủ công đối với các vị trí máy xúc không di chuyển vào được.

 

Ép dương cọc

Ép dương cọc, đoạn đầu cọc nổi lên này sẽ được đập bỏ bê tông để lại râu thép liên kết với đài móng

Trường hợp có cọc bị ép âm hoặc trong quá trình ép cọc (đặc biệt là ép tải) bắt buộc phải cắt bớt đầu cọc để máy ép tải di chuyển được thì sau này thi công đài móng đó sẽ phải hạ cốt đài móng xuống để cho đủ chiều dài đoạn râu thép liên kết với đài móng.

 

Chi tiết cách xử lý các cọc và đài này bạn xem thêm bằng cách search Google: Cách xử lý đầu cọc bị âm, râu thép cọc bị ngắn + xây dựng thực hành.

 

1.3 Sửa móng thủ công, đầm chặt móng:

Là dùng dụng cụ bằng tay để tạo phẳng, vuông vắn, tạo cốt chuẩn cho đáy đài giằng móng. Quá trình này có thể sẽ phải bù thêm đất vào đối với các móng đào máy bị sâu hơn cốt thiết kế.

Trong một số trường hợp sẽ rải thêm một lớp cát hoặc mạt để làm sạch trước khi thi công bô tông lót móng.

 

Sửa móng thủ công thi công đào đất móng

Sửa móng thủ công bằng cuốc xẻng cầm tay

Đối với nhà dân thì quy trình thi công móng thường bỏ qua việc đầm chặt đáy đài giằng móng, vì bản chất thiết kế sẽ không tính sức chịu tải của nền đất dưới đáy đài móng mà tính toàn bộ vào sức chịu tải của cọc, do đó lớp đất dưới đáy đài móng này được coi là không chịu lực và không cần phải đầm chặt hoặc có đầm thì chỉ là đầm với mục đích tạo phẳng bề mặt lớp đất mà thôi.

Đối với các dự án có sàn hầm thì thường thiết kế sẽ quy định phải nghiệm thu đầm chặt nền đất tại vị trí đáy các ô sàn hầm (thường độ chặt không yêu cấu lớn chỉ khoảng K85-K90). Mục đích là do sau này trên lớp bê tông lót sàn hầm có lớp màng chống thấm, nếu đất bên dưới bê tông lót sàn hầm không được đầm chặt có thể gây gãy lớp bê tông lót làm rách lớp màng chống thấm bên trên (Phần này dành riêng cho các kỹ sư nha).

Mặt bằng và các lớp thi công sàn hầm phổ biến

 

Thí nghiệm độ chặt đất

Thí nghiệm độ chặt đất lấp vị trí ô sàn hầm

 

Màng chống thấm bên trên bề mặt bê tông lót tại vị trí các ô sàn hầm

 

2. Bê tông lót

Trong quy trình thi công móng một câu hỏi mà một số bạn thắc mắc là: Làm bê tông lót trước hay đập đầu cọc trước? Theo mình thì làm cái nào trước cũng được nhé, miễn sao đảm bảo đúng cao độ là được (Tất nhiên đổ bê tông lót xong mới đập đầu cọc sẽ sạch sẽ hơn).

Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ thường sẽ làm song song bê tông lót, đập đầu cọc, thậm chí là làm ngay lúc đào moi đất đài giằng luôn, bạn tham khảo hình ảnh bên dưới:

 

Vừa đào moi, vừa đập đầu cọc, vừa làm bê tông lót

 

3. Đập/ cắt đầu cọc

Đối với cọc đặc gọi là đập đầu cọc còn cọc rỗng dự ứng lực sẽ dùng biện pháp cắt đầu cọc. Trong khuôn khổ nhà dân nhà phố thì thường dùng cọc đặc 200×200 hoặc 250×250 còn cọc rỗng dự ứng lực hiếm khi dùng, đối với dự án lớn thì thường dùng cọc dự ứng lực và cọc nhồi, bạn có thể tìm hiểu thêm trên kênh Youtube Xây Dựng Thực Hành của mình.

Mục đích của việc đập đầu cọc là để lộ ra cái râu thép cọc, sau này để liên kết với đài móng (cũng như thép đài móng có thể chạy xuyên qua tại vị trí cọc được).

Tuy nhiên kỹ thuật đập đầu cọc cũng cần những lưu ý riêng, bạn có thể tìm hiểu thêm bằng cách search Google bài viết: Đập đầu cọc bê tông chuẩn kỹ thuật + xây dựng thực hành.

 

Đập đầu cọc

Công tác đập đầu cọc chạy song song với bê tông lót đài giằng (ảnh này là làm trước bê tông lót đài)

 

4. Nắn râu thép cọc, cắt râu thép

Thép cọc sau khi đập đầu cọc có thể bị cong vênh hoặc có chiều dài vượt quá tiêu chuẩn. Trong quy trình thi công móng bước này sẽ nắn thép râu lại cho thẳng và bẻ xiên một khoảng 30 độ, việc bẻ xiên giúp chiều dài râu được dài hơn và liên kết tốt hơn với đài móng. Thông thường đoạn râu thép có chiều dài 500mm. Tuyệt đối không được để thép râu nằm bẹp ngang theo bề mặt bê tông lót móng!

Trường hợp cọc bị âm không đủ chiều dài này thì hạ cốt đài móng và đập thêm cọc không nên dùng nối hàn vào râu cọc.

Phần đập đầu cọc và để thép râu này có khá nhiều công trình làm sai kỹ thuật:

 

Thép râu đập đầu cọc

Hình này có 2 lỗi: Thép râu ngắn cũn, nằm bẹp và không đổ bê tông lót

 

Tìm hiểu thêm bằng cách search Google: Cách xử lý đầu cọc bị âm, râu thép cọc bị ngắn + xây dựng thực hành.

Tìm hiểu thêm bằng cách search Google: Những sai lầm khi làm bê tông lót móng + xây dựng thực hành.

 

5. Thép đài móng – Giằng móng

Nhiều bạn kỹ sư mới ra trường hay hỏi mình rằng thép đài móng phương nào rải trước rải sau, thường thì các bạn hay được hướng dẫn thép lớp dưới phương ngắn rải trước, còn thép lớp trên lộn ngược lại phương ngắn lại rải sau. Không hẳn lúc nào rải như này cũng là có lợi về lực hơn, điều này sẽ đúng hơn với đài móng không có cọc bên dưới, còn đối với đài có cọc nó còn phụ thuộc vào việc bố trí cọc và cột thế nào, từ đó chúng ta mới có được phương chịu lực chính của đài móng.

Ví dụ: Đài móng dạng hình chữ nhật dài có 2 cọc và cột đúng tâm ở giữa như hình dưới thì rõ ràng phương cạnh dài mới là chịu lực chính.

Bạn hãy để ý sơ đồ chịu lực mô phỏng như hình bên trái, 2 cọc đóng vai trò như 2 gối tựa chịu lực tập trung truyền từ cột xuốn ở dưới.

Thanh thép lớp dưới cạnh dài là thanh số 1 bố trí 15d32a150, trong khi thanh số 2 cạnh ngắn chỉ 25d14a200!

Thép đài và giằng móng 1

Mặt bằng thép đài móng cột đúng tâm cọc dạng hình chữ nhật dài

Thép đài và giằng móng 2

Mắt cắt 2-2 thép đài móng

 

Tuy nhiên, quan điểm của mình thì đối với thép đài móng phương nào rải trước cũng được, nó không làm tăng hay giảm khả năng chịu lực của đài móng đáng kể, vì nó ảnh hưởng rất rất nhỏ và bỏ qua được.

Lý do là vì độ dày của một thanh thép quá nhỏ so với chiều cao của đài móng, việc chênh nhau 1 thân thép chỉ làm giảm hoặc tăng chiều cao hữu ích (chiều cao tính toán chịu lực) của đài móng một tý xíu không thấm thoắt gì so với toàn bộ chiều cao của đài móng (nhà dân chiều cao đài móng thường là 700mm, trong khi thép đài móng thường là D12 hoặc D14mm, tương tự dự án cũng vậy đài móng thường rất cao từ 2m trở lên trong khi thép cũng chỉ thường bố trí D32 là cùng).

 

Chốt lại: Thép đài móng theo mình rải phương nào trước cũng được, miễn sao tiện thi công (theo tiến độ, theo mặt bằng…).

 

Một câu hỏi cũng rất hay được các bạn thắc mắc đó là: Thép lớp trên đài móng đặt trên hay dưới thép giằng móng?

Có thể rất nhiều bác thợ không chuyên môn nghĩ là cứ thanh thép nào đặt trên là nó sẽ truyền lực xuống thanh dưới, ngược lại thanh dưới không thể truyền lực lên thanh đặt trên.

Hiểu như vậy thì có thể dẫn đến suy nghĩ là: Thép giằng móng to hơn thì nên đặt trên thép lớp trên đài móng sẽ mới đúng sơ đồ truyền lực!

 

Tuy nhiên, quan niệm này hoàn toàn sai lầm, việc truyền lực nó cả một khối bê tông và cốt thép thống nhất chứ không riêng lẻ gì riêng bê tông hay riêng cốt thép.

Nếu như chỉ là gác các thanh thép lên nhau thì quan niệm đó đúng, nhưng ở đây là bê tông và cốt thép!

Chúng sẽ làm việc đồng thời, cùng chịu lực và theo quan điểm của mình việc thép giằng đặt dưới hay đặt trên thép lớp trên của đài móng không ảnh hưởng đến khả năng truyền và chịu lực của hệ móng (hoặc có thì rất rất ít nó chỉ làm giảm hoặc tăng chiều cao hữu ích của giằng móng đi 1 thân thép giằng). Phân tích hoàn toàn như thép đài thanh ngắn hay dài rải trước ở trên.

Và do đó khi thi công thì chúng ta làm cách nào dễ thi công hơn thì làm.

Thực tế thi công thì thép giằng lớp trên đặt dưới thép lớp trên đài móng sẽ dễ thi công hơn.

Tức là thứ tự thi công sẽ là:

Thép đài móng lớp dưới -> Lao thép giằng móng lớp dưới + trên qua đài -> Buộc đai thép giằng móng bao gồm cả vị trí bên trong đài móng nếu có (thường là có nhưng sẽ thưa hơn ở bên ngoài đài móng) -> Úp lớp trên đài móng -> Thi công thanh đai bao xung quanh chu vi đài móng nếu có -> Thi công thanh chống tách lớp đài móng nếu có.

Với thứ tự thi công này sẽ rất dễ thi công, đặc biệt buộc đai giằng móng trong phạm vi đài rất dễ. Trường hợp thép lớp trên giằng để trên thép đài móng thì sẽ phải úp lớp trên thép đài trước sau đó mới thi công thép giằng lớp trên thì rất khó để buộc đai giằng móng trong phạm vi đài móng và thi công sẽ lâu hơn.

 

Cuối cùng: Thép giằng móng phương dài nhà hay phương ngắn nhà lắp trước?

Cái này cũng theo như phân tích ở trên, việc thanh phương nào rải trước chỉ làm tăng giảm chiều cao hữu ích của giằng móng 1 thân thép nó rất nhỏ so với chiều cao giằng móng, nên bỏ qua được.

Bởi vậy, theo mình phương nào rải trước cũng được miễn sao thi công thuận lợi, đài nào làm xong trước thì giằng chạy trước!

Thép đài và giằng móng 3

Thi công thép lớp dưới đài móng và thép giằng móng

Thép đài và giằng móng 4

Thi công thép móng

 

Thép đài và giằng móng 5

Chi tiết hình ảnh thi công thép đài giằng móng (thép giằng móng ở dưới lớp trên đài móng)

 

6. Thép chờ cột

Sau khi thi công thép đài và giằng móng xong, chúng ta sẽ cắm thép chờ cột vào đài móng.

Đối với nhà dân do là nhà thấp tầng, thiết kế thường không có yêu cầu kháng (động đất) nên có thể nối thép cột trên cùng một mặt cắt (không cần chờ so le) mà vẫn đảm bảo kỹ thuật.

Trong giai đoạn này cần hết sức lưu ý đến việc định vị thép chờ cột sao cho đúng tim thiết kế, đặc biệt là các cột có tim lệch so với tâm hình học của cột.

Nếu chờ sai thì sau này lưới cột sẽ sai và có thể phải tốn thêm chi phí xử lý khoan cắm lại thép cột vào đài móng.

 

Thép chờ cột

Thép chờ cột

7. Ván khuôn đài giằng

Thi công ván khuôn đài giằng có thể bằng ván thép, ván ép hoặc xây tường mỗi biện pháp sẽ có ưu nhược điểm riêng, nhưng chung quy lại đều đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Mình sẽ có bài viết riêng về các loại ván khuôn này.

 

Thi công ván khuôn móng

Thi công ván khuôn đài giằng móng bằng ván thép

8. Bê tông đài giằng

Trước khi đổ bê tông đài giằng móng cần đảm bảo tất cả đài giằng được kê con kê tạo lớp bảo vệ và vệ sinh sạch sẽ thổi bụi, tưới nước, bỏ các mẩu gỗ hay vật liệu trong móng ra ngoài.

Bạn có thể đổ tay hoặc mua bê tông thương phẩm đổ băng bơm tĩnh/ bơm cần. Tùy thuộc vào quan niệm “độ tin tưởng” của bạn về bê tông thương phẩm nơi bạn.

Chỗ mình bị dính một vụ bê tông thương phẩm đổ sàn mái sau 3 ngày mà vẫn bở… nên mình vẫn thích đổ thủ công hơn, kaka.

Thi công bê tông móng

Thi công bê tông móng trộn thủ công

9. Tháo dỡ ván khuôn móng

Ván khuôn móng sẽ được tháo ván thành sau tối thiểu 24h để đảm bảo bê tông đã đủ cứng.

Một số bác thợ rất tranh thủ, bê tông đổ chiều mà sáng hôm sau đã dỡ ván khuôn luôn thì có thể bê tông lúc đó chưa đủ cứng, dễ bị bám vào thành ván khuôn bong ra ngoài.

Theo mình tốt nhất là đủ 24h, ví dụ đổ 6h sáng thì 6h sáng hôm sau mới được dỡ ván khuôn.

 

Tháo dỡ ván khuôn móng sau 24h

Bê tông móng đã dỡ xong ván khuôn

10. Lấp đất móng

Trong quy trình thi công móng thì lấp đất móng là khâu cuối cùng, tuy dễ nhưng lại vô cùng quan trọng.

Sau khi dỡ ván khuôn xong có thể cho máy xúc vào lấp đất được luôn. Tuy nhiên cần lưu ý phải đổ đất kín giằng và cho máy xúc chồm qua đứng tại vị trí không có giằng móng và không được cho gầu máy xúc va vào bê tông.

Đối với lấp móng bạn có thể đổ đất, đá mạt hoặc cát và chúng phải được đầm chặt từng lớp dày tối đa 40cm nếu đầm bằng đầm cóc.

Nhà dân có thể dùng biện pháp thuốn nước khi lấp đất móng, khi này có thể đổ dày 1 lần toàn bộ chiều cao, sau đó dùng máy bơm công suất lớn bơm vào nền đất kết hợp với xà beng thuốn xuống dưới tạo độ chặt.

Bạn cần lưu ý dù đầm cóc hay thuốn nước thì không nên đổ bê tông nền trệt ngay, khi thi công sàn tầng 1 đặt giáo chống kê lên ván hoặc tấm tôn để tránh lún.

Đặc biệt với biện pháp thuốn nước, mình thường lấp bằng base (đá lẫn đất) thay vì đất thông thường, với biện pháp này phải cần thời gian để cho nước chảy ra hết hoặc bốc hơi hết thì đất mới cố kết được.

Nếu đổ bê tông nền trệt luôn có thể lớp đất lấp móng này chưa lún hết sẽ có thể lún gãy bê tông và gạch lát nền sau này.

Hai biện pháp này mình vẫn làm và không có công trình nào bị lún cả. Cái quan trọng là biết cách làm thôi!

 

Lấp đất móng và đầm cóc

Lấp đất móng và đầm chặt bằng đầm cóc

 

Lấp đất móng và thuốn nước

Đầm chặt base lấp móng bằng biện pháp thuốn nước dân gian

Trên đây là quy trình thi công móng cọc cơ bản nhất cho nhà phố, còn rất nhiều vấn đề chi tiết mà bạn cần nắm được khi thi công nhà phố.

Nếu bạn quan tâm và có nhu cầu tìm hiểu Thi công, Bóc tách và Lập chi phí nhà dân, nhà phố thì mình đang có khóa học: QS Nhà Phố thực chiến.

Khóa học này không chỉ dừng lại ở đúng kỹ thuật, chất lượng mà mình còn chia sẻ những kinh nghiệm để hao hụt vật liệu ít nhất có thể, rút ngắn tiến độ thi công, hy vọng sẽ đem lại lợi nhuận cũng như tốn ít chi phí nhất cho ngôi nhà của bạn.

Bạn cũng có thể tải Ebook Trí Tuệ QS tại TRANG CHỦ (miễn phí) để hiểu rõ hơn về mình cũng như nghề QS.

Kỹ sư. Vương Danh Thắng,

Admin: xaydungthuchanh.vn

Youtube: Xây Dựng Thực Hành

TikTok: Xây Dựng Thực Hành

Fanpage: xaydungthuchanh.vn





Ảnh tác giả

Hey! Mình là Vương Danh Thắng – Kỹ sư QS – Admin – Nhà đào tạo QS, AutoCAD, Excel trên diễn đàn này.
Các khóa học của mình Ở ĐÂY.
Giúp mình đạt 100k Sub Youtube + 100k Follow Fan Page nhé!