Lưu ý chọn và kiểm soát chất lượng cọc bê tông ép cọc nhà phố

12/09/2023 955

Mình là một kỹ sư nhưng để chọn và kiểm soát chất lượng cọc bê tông ép cho ngôi nhà của mình ở quê… chính xác mà nói không hề dễ dàng!

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều đơn vị cung cấp và thi công cọc bê tông nhà dân nhà phố, đặc biệt cũng có khá nhiều đơn vị nhỏ nằm ngay chính tại địa phương cung cấp cọc bê tông.

Mình nói không dễ dàng vì thông thường các cọc được đúc sẵn trong nhà xưởng rồi mang đi bán và người dân thì rất khó để kiểm soát chất lượng của chúng khi về tới nhà mình.

Một số đơn vị cung cấp làm ăn chộp giật có thể đưa ra thị trường những cọc kém chất lượng, không giống như thiết kế chào bán.

Bài viết này mình sẽ chia sẻ một số cách mà mình biết cũng như đã áp dụng để chọn cọc và kiểm soát chất lượng cọc bê tông, hy vọng có thể giúp bạn tránh mua phải các cọc kém chất lượng.

Chọn gạch xây đất sét nung thế nào là tốt?
Sai lầm khi làm bê tông lót móng giảm nghiêm trọng chất lượng công trình
Nguy hiểm! Đập đầu cọc bê tông sai bét! Có cọc cũng như không!
Cách xử lý đầu cọc bị âm, râu thép cọc ngắn không đủ neo vào đài móng
Quy trình thi công móng cọc chi tiết, những tranh cãi và lưu ý

Đây là một nội dung nằm trong chuỗi hơn 100 bài viết hướng dẫn thi công nhà dân nhà phố chuẩn kỹ thuật tiết kiệm chi phí của mình.

Bạn có thể đọc thêm và lưu lại đường link toàn bộ chuyên mục hơn 100 bài viết này TẠI ĐÂY.

 

 

1. Cọc bê tông kém chất lượng là cọc như thế nào?

 

Giả sử bạn mua cọc phổ thông và được chuyển đến công trình của bạn để thi công.

1.1 Trước tiên bạn hãy quan sát vẻ bề ngoài của cọc:

Cọc kém chất lượng là cọc bị nứt to (nứt dăm không sao), bản mã đầu cọc mỏng (cọc đảm bảo thì bản mã thường dày tối thiểu 3-4mm).

Bản mã có tác dụng bo tăng cứng giúp cọc không bị nổ đầu cọc trong quá trình ép cọc. Do đó, thường sẽ được làm đúng chuẩn để đảm bảo khả năng chịu lực nhé.

 

chất lượng cọc bê tông

Cọc 250×250, bản mã đầu cọc dày 4mm

Mẹo: Bạn có thể dùng nước tưới lên cọc để dễ quan sát vết nứt hơn, nếu có.

 

1.2 Độ cứng (mác bê tông) không đạt:

Hey, cái này hầu như không thể kiểm tra được, thông thường cọc 200×200 có mác 250 hoặc 300, cọc 250×250 thường có mác 300. Mác 300 nghĩa là cường độ áp suất ép phá hoại mẫu thử đạt được 300kg/cm2 (trên 300kg/cm2 mới vỡ). Trong khi áp suất tác dụng lên đầu cọc thường nhỏ hơn khá nhiều, vì hầu hết nhà phố thường ép tải dao động từ 40 – 70 tấn tương đương với áp suất hiển thị trên áp kế khoảng từ 80kg/cm2 – 140kg/cm2.

bảng quy đổi điều kiện dừng ép cọc

 

Nếu muốn kiểm tra mác bê tông bạn phải lấy mẫu thử trước khi đổ bê tông cọc, việc này chỉ có thể thực hiện nếu bạn có ý định sử dụng cọc đặt (bạn sẽ được kiểm soát chất lượng từ đầu như làm thép, cốt liệu, đổ bê tông, lấy mẫu thử mang đi nén để kiểm tra mác…)

Theo mình tư duy thì hầu hết các cọc sẽ đạt mác như trên bởi lẽ nếu không đạt mác thì rất dễ bị nổ đầu cọc khi thi công, đặc biệt là khi sử dụng tải ép lớn hơn 70 tấn.

Tuy nhiên, xác suất nhỏ thôi nhưng lỡ như công trình của bạn khi ép cọc thấy bị nổ đầu cọc liên tục trong khi tải ép chưa đủ thì chính xác là cọc không đủ mác hoặc gia cường thép tại đầu cọc không đủ hoặc đặt thép gia cường đầu cọc quá xa với mũ thép đầu cọc.

Khi này bạn có thể yêu cầu dừng ép và đổi lô cọc khác.

 

1.3 Thép không đạt:

Đây mới là cái hay bị làm thiếu nhất vì nó ở bên trong không ai nhìn thấy được.

Thông thường đây là thiết kế chuẩn của 2 loại cọc phổ biến:

  • Cọc 200×200 thép sẽ là: 4d14 không nối, đai D6a100(150)/200 (100 hoặc 150 ở 2 đoạn đầu và mũi cọc, 200 ở giữa cọc) và được gia cường lưới thép tại đầu cọc để tránh nổ đầu cọc khi ép.
  • Cọc 250×250 thép sẽ là: 4d16 không nối, đai D6a100(150)/200 và cũng được gia cường lưới thép tại đầu cọc để tránh nổ đầu cọc khi ép.

nghiệm thu thép cọc bê tông

Thép đầu cọc được gia cố lưới thép nên đặt ngay sát mũ cọc (cách 50mm)

Bên dưới là hình ảnh một cọc làm bát nháo “đầu voi đuôi chuột”, bên trên là D16 bên dưới là D10!

Chỉ khi đầu cọc hở một đoạn dài như này khi đập ra mới bị phát hiện!

 

Mẹo: Trong hợp đồng thi công nên có điều kiện quy định đập thử 1 cọc bất kỳ để kiểm soát chất lượng cọc (nếu thép đủ như thiết kế thì mình phải trả tiền, không đủ thì mình phạt tiền và có quyền không thanh toán các cọc đã ép…)

 

chất lượng cọc bê tông không đạt thép bị giảm đường kính 1

 

chất lượng cọc bê tông không đạt thép bị giảm đường kính 2

 

chất lượng cọc bê tông không đạt thép bị giảm đường kính 3

Bát nháo đầu voi đuôi chuột 4D16 thành 4D10

 

2. Các giải pháp kiểm soát chất lượng cọc bê tông

 

Căn cứ vào phần 1 thì bạn phần nào đã biết cách chọn và kiểm soát chất lượng cọc rồi đúng không?

Bạn có thể tham khảo các giải pháp sau:

 

1. Nghiệm thu bề ngoài của cọc

2. Nổ đầu cọc nhiều khi tải chưa đủ thì đổi lô khác ngay, có thể cần bổ sung tim cọc nếu thiết kế yêu cầu.

Để biết khi nào là ép đủ lực bạn xem thêm bài viết TẠI ĐÂY.

3. Quy định hợp đồng có đập thử 1 vài cọc (mỗi lô đập thử 1 cọc bất kỳ) để kiểm tra thép bên trong.

4. Sử dụng cọc đặt thay vì cọc phổ thông đúc sẵn:

 

Nếu bạn sử dụng số lượng cọc lớn thì theo mình nên lựa chọn đơn vị uy tín lớn trên thị trường và có thể nghĩ tới sử dụng cọc đặt thay vì cọc phổ thông đúc sẵn.

Mình đã gặp công trình đập thử cọc và phát hiện thép bị thiếu, sau đó chủ nhà đã chuyển sang phương án cọc đặt vì không tin tưởng “bố con thằng nào” nữa!

 

Với cọc đặt bạn sẽ đặt nhà cung cấp sản xuất theo thiết kế và bạn được đến nhà xưởng kiểm tra vật liệu đầu vào (cát, đá, xi), nghiệm thu sắt trước khi đổ bê tông.

Khi đổ bê tông bạn dùng tem phiếu có chữ ký hoặc đánh dấu của mình dán vào bề mặt bê tông khi còn ướt, hoặc sơn lên cọc đã khô tên hoặc ký hiệu của bạn để đánh dấu.

Bạn cũng có thể lấy mẫu bê tông, đánh dấu vào mẫu nhờ họ bảo dưỡng và mang đi thí nghiệm nén mẫu để kiểm tra mác bê tông.

Có một lưu ý nhỏ là hầu hết các đơn vị sản xuất cọc hiện nay đều sử dụng cát nhân tạo (cát nghiền) chứ không phải cát vàng tự nhiên. Việt Nam mình đã có tiêu chuẩn sử dụng cát nhân tạo từ rất lâu rồi, các công trình lớn còn sử dụng nên bạn không cần phải lo lắng nhé.

Cát tự nhiên bây giờ ngày càng thiếu hụt và lựa chọn những vật liệu mới đảm bảo kỹ thuật là điều đương nhiên thôi.

 

Lấy mẫu bê tông khi đổ bê tông cọc tại xưởng

Thí nghiệm nén mẫu kiểm tra mác bê tông

 

Bên dưới mình chia sẻ một số hình ảnh trong quá trình sử dụng cọc đặt của một công trình:

 

Nghiệm thu thép trước khi đổ bê tông tại xưởng

 

Dán mẫu giấy có chữ ký đánh dấu cọc khi bê tông còn ướt

 

Hoàn thành đổ bê tông

 

Sơn đánh dấu vào cọc đã khô

 

Chuẩn cọc đặt đã đánh dấu về công trình

Một lưu ý nhỏ khi sử dụng cọc đặt là: Điều khoản hoàn trả cọc khi dùng thừa.

Các đơn vị lớn thì họ sẽ nhận lại cọc đúng bằng đơn giá mình đã mua (tức là mình sẽ không lo thừa cọc). Một số đơn vị nhỏ thì khi nhận lại họ sẽ chỉ nhận giá bằng giá cọc phổ thông thấp hơn giá mình đã mua (mình bị thiệt).

Tóm lại, để xây được một ngôi nhà đẹp, chất lượng lại tiết kiệm chi phí thì không hề đơn giản.

Nếu bạn quan tâm và có nhu cầu tìm hiểu Thi công, Bóc tách và Lập chi phí nhà dân, nhà phố thì mình đang có khóa học: QS Nhà Phố thực chiến.

Khóa học này không chỉ dừng lại ở đúng kỹ thuật, chất lượng mà mình còn chia sẻ những kinh nghiệm để hao hụt vật liệu ít nhất có thể, rút ngắn tiến độ thi công, hy vọng sẽ đem lại lợi nhuận cũng như tốn ít chi phí nhất cho ngôi nhà của bạn.

Bạn cũng có thể tải Ebook Trí Tuệ QS tại TRANG CHỦ (miễn phí) để hiểu rõ hơn về mình cũng như nghề QS.

Kỹ sư. Vương Danh Thắng,

Admin: xaydungthuchanh.vn

Youtube: Xây Dựng Thực Hành

TikTok: Xây Dựng Thực Hành

Fanpage: xaydungthuchanh.vn





Ảnh tác giả

Hey! Mình là Vương Danh Thắng – Kỹ sư QS – Admin – Nhà đào tạo QS, AutoCAD, Excel trên diễn đàn này.
Các khóa học của mình Ở ĐÂY.
Giúp mình đạt 100k Sub Youtube + 100k Follow Fan Page nhé!