Thi công móng cọc nhà phố nên chọn ép neo hay ép tải? Không lún nghiêng, tiết kiệm!

29/08/2023 783

Bài viết này mình sẽ chia sẻ cách chọn biện pháp thi công ép cọc bê tông cho nhà phố nhà dân, giữa ép neo và ép tải biện pháp nào phù hợp với mảnh đất và ngôi nhà dự định xây dựng của bạn. Nếu bạn chọn đúng, phù hợp với ngôi nhà của mình, ngôi nhà sẽ đảm bảo không lún nghiêng mà lại tiết kiệm chi phí thi công.

Đây là bài viết đầu tiên trong chuỗi hơn 100 bài viết hướng dẫn thi công nhà dân nhà phố chuẩn kỹ thuật tiết kiệm chi phí của mình. Bạn có thể đọc thêm và lưu lại đường link toàn bộ chuyên mục hơn 100 bài viết này TẠI ĐÂY.

Đối với nhà dân nhà phố trên thị trường hiện nay có 2 biện pháp ép cọc phổ biến nhất là ép neo và ép tải. Nếu bạn tìm trên Google có thể sẽ thấy khá nhiều bài viết về vấn đề này. Tuy nhiên, mình thấy đa phần đều chưa sâu, chưa sát thực tế (còn nhiều lý thuyết), có thể khiến bạn không đủ thông tin để quyết định biện pháp ép cọc thực tế của mình. Bài viết này mình sẽ cố gắng viết bằng ngôn từ gần gũi nhất có thể, hy vọng sẽ giúp bạn dễ dàng nhanh chóng ra quyết định.  

Tóm tắt nội dung bài viết:  Bạn phải tự trả lời được 6 câu hỏi sau (dĩ nhiên thông qua của các phân tích của mình):

1. Ép neo và ép tải là gì?

Ép neo là dùng thanh thép xoắn khoan sâu xuống lòng đất (neo vào đất) để làm đối trọng với lực ép của máy ép cọc, giữ cho hệ giàn nèo ổn định không bị đẩy “bềnh” lên. Bạn hình dung nó như cái dễ cây cắm vào lòng đất giữ cho cây không bị đổ, không bị đẩy lên.

Chọn gạch xây đất sét nung thế nào là tốt?
Sai lầm khi làm bê tông lót móng giảm nghiêm trọng chất lượng công trình
Nguy hiểm! Đập đầu cọc bê tông sai bét! Có cọc cũng như không!
Cách xử lý đầu cọc bị âm, râu thép cọc ngắn không đủ neo vào đài móng
Quy trình thi công móng cọc chi tiết, những tranh cãi và lưu ý

Ép neo ép tải

Thanh xoắn khoan neo ngàm vào đất tạo đối trọng với lực ép máy thủy lực khi ép neo

Ép neo ép tải

Ép neo cọc: Vị trí bu lông này bên dưới chính là thanh neo xoắn

  Còn ép tải là dùng cục tải bê tông hoặc thép chất vào giàn neo giúp nó không bị đẩy lên trong quá trình máy ép thủy lực ép cọc xuống.

Ép neo ép tải

Bộ hệ thống ép tải, từ trái sang: Giàn ép tải và cục tải, máy cẩu, máy ép thủy lực (góc phải ảnh)

Cấu tạo hệ giàn: Tải chất lên 2 dầm, đế hệ giàn ép tải và giàn ép tải liên kết bằng khớp bu lông

Ép neo ép tải

Ép tải cọc (Đang hàn nối bản mã 2 đoạn cọc)

 

2. Mặt bằng và giao thông có ép tải được không?

Trước tiên giao thông, yếu tố tiên quyết: Vì máy cẩu phục vụ ép tải thường phải là máy cẩu to hơn so với máy cẩu dùng ép neo (để cẩu được tải nặng thường là gần 3 tấn 1 cục tải, kích thước 1 cục tải bê tông phổ biến 2,4×0,6×0,8m). Nếu là tải sắt thì kích thước 1 cục có thể nhỏ hơn chút, tuy nhiên khối lượng 1 viên thì tương đương cục bê tông, do đó yêu cầu đường vào phải lớn hơn. Bề rộng đường giao thông, ngõ, cửa cổng phải tối thiểu 2,5m – 3m thì loại này mới vào được, cũng như các loại xe cẩu thùng chở cọc chở tải mới vào được.

Trong khi với ép neo thì không yêu cầu cẩu lớn, chỉ cần cẩu nhỏ để cẩu được cọc (cũng thường là cọc D200) thì với những hẻm nhỏ 1,8-2m là vào được.

Cẩu thùng chở cọc, chở tải tập kết tại chân công trình phải vào được

Đường giao thông, ngõ rộng từ 2,5-3m để xe cẩu cọc ép tải vào được

 

Cục tải bê tông bọc thép bên ngoài 2,4×0,6×0,8m

Thứ 2 mặt bằng công trình có đủ rộng để đặt dây chuyền ép tải và chuyển tải không?

Hình A: Mặt bằng phải đủ rộng để máy cẩu tải di chuyển

Chiều rộng mảnh đất nhà phố phải đủ để dây chuyền ép tải chuyển tải từ đài này sang đài khác. Do đó với những nhà ống bề rộng hẹp hơn 5m rất khó để cẩu di chuyển được vì bị vướng hệ tải (rộng 2-2,4m). Nhà ống nhỏ hơn 4m, chỉ có 1 mặt tiền giao thông lại sâu thì phần lớn các đơn vị ép cọc đều dùng phương án ép neo, không vừa hệ thống ép tải.

Một điều nữa, bạn cũng cần lưu ý là với ép tải tại các đài góc nhà nếu đã hết đất thì không thể ép đúng tâm giàn tải được, do đó tại các đài này sẽ không thể ép đạt được đủ lực như các đài ở giữa (do khi này cục tải chỉ chất được ở 1 bên).

Ví dụ: Thiết kế yêu cầu lực ép 1 tim là 70 tấn, thì các đài góc nếu hết đất rồi thì chỉ ép được khoảng 50-60 tấn.

Bạn hãy nhìn lại hình A bên trên và hình B, C bên dưới và tư duy một chút nhé! Hình A là chưa mượn đất nhà bên, san gạt mặt bằng thẳng tưng theo mép công trình. Còn hình B, C thì phải san gạt thêm sang nhà hàng xóm đấy!

Hình B: Mượn đất nhà bên cạnh để chất tải đúng tâm đài cọc ở góc nhà

 

Hình C: Mượn đất nhà bên cạnh để chất tải đúng tâm đài cọc ở góc nhà

Trong trường hợp bạn không mượn được đất hàng xóm để ép tải cọc thì chấp nhật ép thêm tim cọc để đạt yêu cầu của thiết kế. Bạn có thể theo dõi bài viết: Bổ sung tim cọc khi không đủ lực ép theo yêu cầu của thiết kế.  

3. Địa chất công trình nhà bạn ép neo có được không?

Đây là câu hỏi thoát đầu bạn có thể nghĩ có gì đó sai sai đúng không? Tuy nhiên, không phải địa chất nào cũng có thể ép neo được! Trong khi ép tải thì địa chất nào cũng được miễn là mặt bằng và giao thông đủ rộng! Nếu địa chất yếu rất dễ bị tuột neo trong quá trình máy ép thủy lực gia tải ép cọc xuống đất.

Tôi đã được trải nghiệm một công trình ép neo trên nền đất vừa mới san lấp. Kết quả là công trình sau này đã bị lún nghiêng nghiêm trọng!

Vì khi ép neo đã bị nhổ neo -> dẫn đến không đủ lực ép thiết kế!

Đất mới san lấp rất dễ bị tuột neo (bềnh hệ giàn không ép được đủ lực)

Vậy những địa chất nào không ép neo được hay chính xác là ép neo dễ bị nhổ neo? Đa phần, nhà dân nhà phố đều không khảo sát địa chất trong quá trình xây nhà. Do đó, không thể biết được đất bên dưới như thế nào. Bạn nên tránh dùng ép neo trong một số trường hợp: Đất vừa mới san lấp, đất ao sâu (hố bom…), đất đồi tơi xốp hoặc địa chất không đồng đều… nếu mặt bằng cho phép hãy dùng ép tải! Hoặc nên dùng những bộ giàn ép neo có chân neo lớn, gia cường thêm chân neo với đất yếu để đảm bảo ép đủ lực mà không bị nhổ neo.  

4. Tải trọng yêu cầu ép 1 tim cọc là bao nhiêu?

Nếu tải trọng thiết kế yêu cầu ép cho 1 tim cọc của bạn là 40-49 tấn thì ép neo OK, tải này thường tương đương với nhà 3-4 tầng. Ngược lại từ 50 tấn trở lên bạn hãy nghĩ đến ép tải (thường tương đương với nhà lớn hơn 4 tầng) hoặc nhờ thiết kế tăng số lượng tim cọc để đảm bảo chỉ phải ép với lực 40-49 tấn. Vì… Đa số (không tính các trường hợp thiểu sổ cụ thể) các giàn ép neo việc neo giữ vào đất thường chỉ đạt được 40-49 tấn, vượt quá là bị nhổ neo.

Dĩ nhiên vẫn có thể có giàn ép neo ép được từ 50-70 tấn nhưng đó là những đơn vị lớn, chuyên nghiệp có giàn neo khủng (cũng còn phụ thuộc địa chất nữa) mà ít đơn vị địa phương có hệ giàn này.

Ở địa phương, nếu bạn thuê ép cọc, dù là ép neo hay ép tải mà tải vượt 50 tấn thì rất dễ sẽ bị đội giá, do các đơn vị này thường phải thuê lại một đơn vị khác có máy móc lớn ở trung tâm thành phố về làm.

Còn nếu không thuê lại đơn vị khác thì… Coi chừng ép neo không đủ tải 50 tấn đâu!  

5. Mức độ ảnh hưởng đến nhà bên cạnh?

Nhà bên cạnh nếu là nhà cấp 4, nhà móng nông không ép cọc thì mức độ ảnh hưởng của việc ép cọc sẽ lớn hơn nhà bên cạnh có ép cọc. Và theo tôi không hẳn ép tải sẽ ảnh hưởng nhiều hơn (lực lớn hơn chưa chắc ảnh hưởng nhiều hơn). Nếu cùng 1 công trình 7 tầng phương án ép tải 40 tim thì ép neo có thể phải 50-60 tim.

Như vậy ép neo mật độ sẽ dày hơn, cũng có thể ảnh hưởng nhà bên cạch nhiều hơn chứ?

Bạn hãy tư duy chỗ này! Ép tải sâu hơn ít tim hơn, ép neo nông hơn nhiều tim hơn. Và theo quan điểm của tôi thì nếu như có ảnh hưởng tới nhà bên cạnh thì nó thường bị ảnh hưởng ở những mét cọc bên trên (đặc biệt với nhà bên cạnh không có cọc), còn khi cọc ép đã xuống sâu rồi thì phạm vị đẩy trồi nhà bên cạnh hầu như không còn!  

Trong trường hợp ép tải, bạn hãy cân nhắc xử lý cột đúng tâm với đài móng nếu như còn đất, để phần cọc không quá sát nhà bên cạnh (tức là còn chừa một khoảng xa hơn làm đài lệch tâm).  

Tham khảo bài viết: Đài đúng tâm, lệch tâm. Nếu bài này chưa có link đến, bạn có thể Search Google cụm từ trên cộng với đuôi Xây Dựng Thực Hành đằng sau là sẽ ra. 

Cũng cần xem xét chất đất có bị đẩy ngang không, ép thử 1 cọc biên trước. Dù là ép tải hay ép neo nếu làm sau, nhà phố xây chen đều phải có biện phải chống đỡ 2 nhà bên cạnh, đơn giản là chống văng như hình dưới vào các vị trí dầm, cột.

Ép neo ép tải

Hoặc bạn có thể nghĩ tới đầu tư một hệ cừ larsen ép sát nhà bên cạnh, làm hệ chống văng sau đó mới ép cọc. Thường trong trường hợp này, cừ sẽ không rút được khi thi công móng xong vì không còn đủ không gian cho máy nhổ toàn bộ cừ lên (có thể vẫn nhổ được ở một số vị trí không vướng cả 2 bên).

Nói tóm lại, về phần này theo mình càng làm xa nhà hàng xóm càng tốt, ngủ ngon. Còn khi đã làm sát rồi thì… chẹp, dù ép neo hay ép tải đôi khi nó là may rủi…  

6. Chi phí ép tải chênh với ép neo thế nào?

Thực ra tiền nhân công chênh giữa ép tải và ép neo không đáng kể. Mà tiền cọc phải mua mới nhiều! Nếu cùng số lượng tim cọc thì tất nhiên ép tải sẽ tốn tiền nhiều hơn ép neo: Ví dụ: Ép tải 70 tấn, cọc sẽ ép sâu được 5 đốt là 25m / 1 tim cọc. Trong khi ép neo 40-49 tấn chỉ ép được sâu 3 đốt 15m.

Như vậy chênh 1 tim đã là 10m. Nếu số lượng tim không đổi, nhân toàn bộ các tim lên sẽ chênh rất nhiều tiền.

Thông tin ép neo 40-49 tấn thì có thể bạn sẽ nắm được ép sâu bao nhiêu mét trong khu vực của bạn rồi. Nhưng ép tải 70 tấn thì có thể không có thông tin. Nếu bạn muốn biết ép 70 tấn sâu được bao nhiêu mét thì hãy thuê đơn vị khoan khảo sát địa chất, sau đó chuyển số liệu này cho đơn vị thiết kế. Họ sẽ tính toán cho bạn chiều sâu ép 1 tim một cách tương đối chính xác với ép tải 70 tấn.  

Nếu khác số lượng tim cọc:  

Ép neo nhiều tim hơn ép tải nhưng độ sâu 1 tim lại ít hơn. Như vậy tổng chiều dài cọc phải mua có thể sẽ nhiều hơn cũng có thể ít hơn ép tải tùy trường hợp cụ thể từng công trình. 

Nhưng điều quan trọng là ép tải sẽ luôn đảm bảo cọc đặt tại lớp đất sâu bên dưới (thường tốt hơn lớp đất bên trên), ma sát thành cũng nhiều hơn => Đủ khả năng chịu lực cho dù trường hợp đất bên trên rất yếu.

1 tim ép tải ăn chắc 50 tấn còn hơn 2-3 tim ép neo chỉ được 20-30 tấn/ tim (thậm chí còn thấp hơn nữa vì đất yếu dễ bị nhổ neo khi ép).

Với ép tải thường phải dùng cọc D250 trở lên thay vì cọc D200. Vì thường cọc D200 sẽ bị nổ đầu cọc khi ép tải (mà vẫn chưa đủ lực ép thiết kế). Nôm na, bạn có thể hiểu là sức chịu tải theo vật liệu của cọc D200 (mác bê tông, đường kính thanh thép…) khi này nhỏ hơn lực ép cọc cần ép.

Cọc bị nổ đầu cọc khi ép

Tuy nhiên, bạn phải biết được tổng md ép cọc khi thiết kế dùng cọc D200 (ép neo) và D250 (ép tải) mới so sánh được.

Không phải lúc nào lực ép lớn cũng nhiều tiền hơn, vì tiền phụ thuộc vào tổng md cọc phải mua (và đơn giá cọc) chứ không phải số lượng tim cọc! (Tất nhiên, nếu cùng một diện tích thì công trình 5 tầng chắc chắn sẽ tốn nhiều tiền cọc hơn 3 tầng cho dù ép tải hay ép neo đi chăng nữa nhé).

Tham khảo: Cách tính sơ bộ số lượng tim cọc và kích thước đài móng nhà phố.

Nếu bài này chưa có link đến, bạn có thể Search Google cụm từ trên cộng với đuôi Xây Dựng Thực Hành đằng sau là sẽ ra.  

 

Tóm lại, để chọn ép neo hay ép tải bạn phải tự trả lời được ít nhất 6 câu hỏi sau:

1. Ép neo, ép tải là gì?

2. Mặt bằng và giao thông có ép tải được không?

3. Địa chất công trình nhà bạn có ép neo được không? 1 tim ép được bao nhiêu tấn?

4. Tải trọng yêu cầu ép 1 tim cọc là bao nhiêu?

5. Mức độ ảnh hưởng đến nhà bên cạnh?

6. Chi phí ép tải chênh với ép neo thế nào?

Cuối cùng vấn đề đau đầu nhất vẫn là chi phí!

Nếu bạn quan tâm và có nhu cầu tìm hiểu Thi công, Bóc tách và Lập chi phí nhà dân, nhà phố thì mình đang có khóa học: QS Nhà Phố.

Khóa học này không chỉ dừng lại ở đúng kỹ thuật, chất lượng mà mình còn chia sẻ những kinh nghiệm để hao hụt vật liệu ít nhất có thể, hy vọng sẽ đem lại lợi nhuận cũng như tốn ít chi phí nhất cho ngôi nhà của bạn.

Bạn cũng có thể tải Ebook Trí Tuệ QS tại TRANG CHỦ (miễn phí) để hiểu rõ hơn về mình cũng như nghề QS.

Kỹ sư. Vương Danh Thắng,

Admin: xaydungthuchanh.vn.

Youtube: Xây Dựng Thực Hành.

TikTok: Xây Dựng Thực Hành

Fanpage: xaydungthuchanh.vn





Ảnh tác giả

Hey! Mình là Vương Danh Thắng – Kỹ sư QS – Admin – Nhà đào tạo QS, AutoCAD, Excel trên diễn đàn này.
Các khóa học của mình Ở ĐÂY.
Giúp mình đạt 100k Sub Youtube + 100k Follow Fan Page nhé!