Rất nhiều bạn nghĩ đất yếu thay vì dùng móng đơn (móng cốc), móng băng thì chuyển sang móng bè đổ bê tông toàn bộ diện tích móng cho chắc! Thậm chí là cả kỹ sư xây dựng khi làm công trình diện tích sàn hơn 100m2 xây 5 tầng cũng đã suýt làm móng bè trên nền đất yếu, nếu như không alo hỏi ý kiến của mình!
Nguy hiểm quá!
1. Móng đơn, móng băng, móng bè là gì?
Móng đơn (móng cốc):
Đây là móng không ép cọc, bạn hiểu đại khái là những cục bê tông nhỏ (kích thước phổ biến 1-2m) đặt dưới các chân cột và thường chúng được liên kết với nhau bởi các giằng móng tại cốt móng hoặc cốt +0.000.
Móng cốc thép móng chỉ có ở các cốc dưới chân cột (các vị trí khác là thép giằng móng)
Móng băng:
Cũng là móng không ép cọc, móng băng là một dải bê tông (bề rộng phổ biến cũng từ 1-2m), trên dải bê tông này đặt nhiều cột của nhà.
Tất nhiên nhà có nhiều trục nhịp thì sẽ có nhiều dải móng băng to nhỏ khác nhau.
Và chúng cũng được gia cố tăng cứng thêm bởi các giằng móng tại cốt móng hoặc cốt +0.000.
Như vậy móng băng diện tích tiếp xúc với đất lớn hơn móng đơn rất nhiều lần (một dải mà).
Móng băng, lắp thép thành những dải và đổ bê tông
Móng bè:
Vẫn là móng không ép cọc, móng bè là loại khủng nhất trong 3 loại móng nông không cọc, toàn bộ nhà được đặt trên một bè bê tông phủ kín diện tích móng luôn.
Tất nhiên móng bè có diện tích tiếp xúc với đất lớn nhất!
Móng bè toàn bộ diện tích móng được lắp thép đổ bê tông
2. Thế nào là nền đất yếu?
Đây là câu hỏi vô cùng khó trả lời, bởi vì nhà dân thường khi thi công không có khảo sát địa chất bên dưới mà thường làm theo kinh nghiệm và các nhà đã làm tương tự bên cạnh.
Tuy nhiên, bằng cảm quan có thể xác định được một số loại đất mà mình liệt kê vào dạng đất yếu như sau:
2.1 Đất chưa liền thổ như đất lấp ao hồ, hố bom, hố sâu
2.2 Đất chân đồi rìa đồi có địa hình dốc
2.3 Đất ao bùn có ngập nước, có thể đóng cọc tre xuống được
3. Đất yếu có nên dùng móng băng móng bè?
Câu trả lời là: Mình không thể trả lời được. Nó còn tùy thuộc vào những yếu tố như: Số tầng, diện tích nhà, đất yếu thuộc dạng yếu thế nào.
Nếu như bạn làm 1 tầng thì phương án móng sẽ đơn giản hơn nhiều so với 3-5 tầng, thậm chí chỉ cần móng đơn là đảm bảo chịu lực.
Vậy, nhà 3-5 tầng thì sao?
Với nhà từ 3 tầng, tải trọng xuống móng là khá lớn, diện tích càng lớn tải trọng lại càng lớn.
Thông thường đối với nhà dân thì 100 nhà thì có đến 99,99 nhà không khoan khảo sát địa chất trước khi làm nhà, mà thường làm móng theo công trình tương tự bên cạnh hoặc kinh nghiệm của nhà thầu.
Đối với những nhà có thuê tư vấn thiết kế thì họ cũng chỉ xuống xem qua ranh giới khu đất, hỏi thăm địa chất có gì bất thường, các nhà xung quanh làm thế nào, đại loại như vậy, mà cũng không khoan khảo sát địa chất.
Do đó, nếu như số liệu địa chất dùng để tính toán móng cho công trình cũng thường được giả định một con số trung bình (sức chịu tải trung bình của nền đất).
Việc này, có vẻ hên xui đúng không bạn!
Nếu dùng móng đơn, móng băng, móng bè thì cả 3 loại móng nông này đều dựa vào sức chịu tải của nền đất để tính toán (1m2 nền đất chịu được bao nhiêu tấn mà không bị lún, đại khái vậy).
Đến đây, bạn lờ mờ hình dung ra sự hên xui chưa?
Bởi vậy, nếu bạn thấy đất khu nhà mình thuộc loại yếu thì nên cân nhắc dùng móng cọc (móng sâu) thay vì 3 loại móng nông không cọc trên.
Với móng cọc thì việc tính toán sức chịu tải của 1 tim cọc khi không có khảo sát địa chất cũng không tính được.
Tuy nhiên, trong tính toán thiết kế móng cọc, chúng ta có 1 cái có thể kiểm soát được (không hên xui như móng nông) là: Lực ép vào mỗi đầu cọc (tim cọc).
Ví dụ nôm na thế này để bạn hiểu:
Giả sử công trình của bạn tính ra được 100 tấn, thì tổng sức chịu tải tính toán tất cả các cọc lớn hơn 100 tấn là đạt đúng không.
(Dĩ nhiên thực tế không phải đơn giản ngon ăn thế, mà phải kiểm tra cho từng móng từng tim cọc một).
Khi thi công ép cọc tổng tải trọng ép thường vượt hơn tổng sức chịu tải tính toán kia từ 2-2,5 lần (theo TCVN), tức là Pép min = Pmin = 200 tấn, Pép max = Pmax = 250 tấn.
Đối với các dự án nhà nước thì yêu cầu dừng ép cọc phải thỏa mãn một trong các điều kiện sau:
- Lực ép đạt Pmin + Chiều sâu đạt Lmin: Chỉ cần lực ép lớn hơn 200 tấn và chiều sâu ép đạt độ sâu thiết kế (giả sử là 10m, tức là tại cao độ sâu 10m này thiết kế đã tính toán cọc đặt vào lớp đất tốt). Trường hợp lực ép đạt Pmin nhưng chưa đạt Lmin thì tiếp tục ép cho đến khi đạt Lmin.
- Lực ép đạt Pmax + Chiều sâu không đạt Lmin (không đạt Lmin thì xin lại ý kiến thiết kế).
Đó là câu chuyện rất kỹ thuật áp dụng cho các dự án, còn nhà dân thì do không có khảo sát địa chất nên thiết kế sẽ không dự trù được chiều sâu đặt mũi cọc vào lớp đất nào và khi ép chúng ta thường yêu cầu lực ép đạt được lớn nhất ứng với công suất của máy ép hoặc bềnh tải trong trường hợp ép tải và không bị nổ đầu cọc thì dừng (dĩ nhiên công trình của bạn chỉ cần yêu cầu lực ép vượt qua một số nào đó là đảm bảo thì có thể dừng ép ở lực ép đó, ví dụ 40 tấn thay vì 50 tấn mà máy có thể ép được).
Như vậy trong trường hợp này chúng ta sẽ không có khái niệm Lmin hay độ sâu có đạt hay không đạt, hay là bao nhiêu, cứ ép được càng sâu càng tốt và cũng thường không hỏi lại thiết kế khi ép xong (đó là có thiết kế còn không có thiết kế thì tất nhiên có ai đâu mà hỏi!).
Đối với các ngôi nhà không có thiết kế thì sẽ không có con số Pmin, Pmax và thông thường chủ nhà sẽ giao phó cho thợ ép cọc!
Nguy hiểm nhỉ!
Tới đây, bạn có thể tìm hiểu thêm về 2 biện pháp ép cọc: Ép neo và ép tải cũng như chuyên mục hơn 100 bài viết mình chia sẻ về thi công nhà phố TẠI ĐÂY.
Như vậy thì, tổng tải trọng công trình của bạn chỉ có 100 tấn mà lực ép cọc tối thiểu Pmin = 200 tấn (sức kháng của cọc) thì theo bạn liệu nó có bị lún không?
Câu trả lời là không thể lún (vì sức kháng của cọc đã vượt qua tối thiểu 2 lần tải trọng của ngôi nhà rồi, trừ phi tải trọng ngôi nhà lớn hơn Pmin = 200 tấn mới bị lún).
Tất nhiên, phải loại trừ các trường hợp rủi ro ép cọc không đạt kỹ thuật, số liệu Pmin, Pmax kia không đúng. Cái này là chủ quan chúng ta hoàn toàn kiểm soát được.
Đó là cách thiết kế móng cọc, chúng ta kiểm soát được nó thông qua lực ép lên đầu cọc của máy ép cọc.
Trong khi với móng nông thì không kiểm soát được sức chịu tải của nền đất! Cứ thi công là đặt lên đất thôi (cùng lắm thì đóng cọc tre, làm đệm cát gia cường sức chịu tải cho nền đất).
Những biện pháp này về lâu dài mình nghĩ cũng không ổn, cọc tre là hữu cơ dù có ngập nước liệu nó có bền lâu dài được như cọc bê tông?
Hiện nay móng cọc đã rất phổ biến, chi phí cũng không cao, có thể thi công những nơi đường hẹp 1,8m-2m. Quan điểm của mình, bớt cái gì thì bớt nhưng móng và phần kết cấu hãy làm chuẩn đủ, có thừa một tý nó cũng rất đáng.
Hãy so sánh: Móng cọc chi phí cọc 100 triệu với 1 cái tủ bếp đầy đủ cũng gần 100 triệu rồi!
Cái nào theo bạn là đáng chi tiền hơn!
Móng không vững chãi thì những thứ đẹp đẽ hào nhoáng bên trên có ích gì?
Thi công móng cọc (cắt đầu cọc, đào đất, đổ bê tông lót)
Minh họa móng cọc dưới nhà
Sau một cú điện thoại mình tư vấn, bạn mình đã chuyển sang làm móng cọc!
Sau này khi ép cọc được 3 đốt tổng chiều sâu 15m, ép neo 50 tấn (đất khá yếu), lúc này mới nói may mà gọi điện cho ông không thì tôi làm móng bè thì không biết ra sao!
Móng cọc dù chỉ cần ép được 1 đốt thôi nhưng đặt được vào lớp đất tốt còn tốt hơn nhiều móng bè đặt trên lớp đất yếu dù có gia cố.
Chưa kể việc càng ép cọc được sâu ma sát thành càng tăng, sức chịu tải của cọc cũng thế mà càng được tăng theo.
Bạn hình dung các cọc càng sâu nó như cái dễ cây ăn sâu vào đất (thế mới gọi móng cọc là móng sâu, trong khi 3 móng trên là móng nông) sẽ chống lật chống trượt (trên địa chất rìa đồi dốc) chống gió bão tốt hơn nhiều so với móng nông đúng không?
Tản mạn vài dòng thế, hy vọng bạn sẽ giúp bạn hiểu để làm được một ngôi nhà đảm bảo kỹ thuật chất lượng là không hề đơn giản, dù là nhà dân có 1 vài tầng cũng cần phải nắm được kỹ thuật, tránh mù mờ giao hết cho thợ không có chuyên môn.
“Tôi đã làm nhiều nhà móng bè khu này rồi có sao đâu!”
Nhưng biết đâu một ngôi nhà gần đó thì lại khác!
Móng băng móng bè cái nền đất có thể nói là hên xui, nếu mình có thiết kế nhà cho ai không phải thuộc nơi mình sinh sống thì mình rất ái ngại làm 2 loại móng này, và mình thường tư vấn làm móng cọc.
Mình vẫn luôn mong muốn các chủ nhà hãy thông minh hơn trong việc sử dụng tiền vào ngôi nhà của mình ngay từ khâu thiết kế (chi phí không đáng kể so với công trình) và cả khâu thi công nữa.
Nếu bạn quan tâm và có nhu cầu tìm hiểu Thi công, Bóc tách và Lập chi phí nhà dân, nhà phố thì mình đang có khóa học: QS Nhà Phố thực chiến.
Khóa học này không chỉ dừng lại ở đúng kỹ thuật, chất lượng mà mình còn chia sẻ những kinh nghiệm để hao hụt vật liệu ít nhất có thể, rút ngắn tiến độ thi công, hy vọng sẽ đem lại lợi nhuận cũng như tốn ít chi phí nhất cho ngôi nhà của bạn.
Bạn cũng có thể tải Ebook Trí Tuệ QS tại TRANG CHỦ (miễn phí) để hiểu rõ hơn về mình cũng như nghề QS.
Kỹ sư. Vương Danh Thắng,
Admin: xaydungthuchanh.vn
Youtube: Xây Dựng Thực Hành
TikTok: Xây Dựng Thực Hành
Fanpage: xaydungthuchanh.vn